Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thêm, 44 tuổi, ở ấp Thanh Bình 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Hiện chị Thêm kêu oan khắp nơi vì quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre.
Ngôi nhà cấp 4 đầy sự trống vắng, côi cút của mẹ con chị
Thêm nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo nhưng nhang khói trên bàn thờ mẹ và
bà ngoại chị luôn tử tế. Nhìn trên bàn thờ của 2 người thân vừa mới qua đời
cách đây vài năm, nước mắt chị Thêm lưng tròng: “Phải chi má với ngoại còn sống
thì sự không biết rành luật pháp của tôi đâu có hành hạ tôi ăn không ngon, ngủ
không yên như lúc này”.
Tuy nhiên, cảm giác tổn thương của chị đã bị tiếng kêu
đói của gần 50 con heo lứa chặn lại. Chị lủi thủi ra chuồng heo. Cho chúng ăn
xong, chị quay lại thở hổn hển và cho biết: “Từ ngày cơ quan thi hành án gởi
thông báo đến, tôi đã kêu bán heo nhưng không lái nào chịu tới xem”. Chỉ cái
chuồng heo, chị Thêm nói: “Chuồng heo này là kinh tế chính của mẹ con tôi từ
lâu nay nhưng nếu phân chia 1.853,2m2 thửa đất này thành 6 phần thì tôi chỉ còn
vỏn vẹn cái nhà mà thôi. Tại tòa, các anh, chị tôi đã khẳng định sẽ đập nó sau
khi chia lại. Tôi chưa biết làm gì mà sống, còn phải nuôi đứa con gái đang đi học
nữa”.
Chị Thêm là em gái út trong gia đình có tất cả 6 người
con. Cha chị mất sớm, để lại hơn 13 công đất cho mẹ chị (bà Võ Thị Bé) quản lý,
sử dụng. Lúc sinh thời, bà Bé đã chia lần lượt cho con trai cả là Nguyễn Văn Trứ
4 công; con gái Nguyễn Thị Nhạn 2,5 công; con trai út Nguyễn Văn Triêm 5 công;
con gái Nguyễn Thị Chiêm và Nguyễn Thị Yêm mỗi người 0,5 công (đã lấy chồng về
TP. Hồ Chí Minh).
Chị Thêm rơi nước mắt đứng trước gốc cây bằng lăng mà chị trồng đã gần chục năm để che mát cho 2 ngôi mộ tổ tiên nhưng các anh, chị của chị đã chặt bỏ sau khi tòa tỉnh tuyên án.
Ngày 3-8-2006, bà Võ Thị Bé lâm trọng bệnh, tập hợp các
con lại làm giấy tay chia tiếp cho Nguyễn Văn Triêm 1 công đất trong thửa đất hơn
2,8 công cuối cùng (nhưng không nằm trong vị trí ngôi nhà). Sau đó, ông Triêm
đã xác lập quyền sở hữu. Phần đất còn lại, bà Võ Thị Bé cho chị Nguyễn Thị Thêm
và ghi rõ được hưởng huê lợi trên đất kể từ lúc lập giấy tay (có đầy đủ chữ ký
anh, chị, em và người làm chứng).
“Năm 2015, cất nhà thiếu tiền và tôi cũng muốn phát triển
số lượng đàn heo nuôi nên lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp
ngân hàng vay vốn. Đúng lúc này, các anh, chị của tôi lật lọng nói là không có
ký tên, đòi chia thêm phần đất hơn 1,8 công mà tôi đang sinh sống. Tôi không đồng
ý và họ đã cùng nhau kiện ra tòa án để chia di sản theo pháp luật…” - chị Thêm
chua xót nói.
“Khoảng năm 2001, chị Thêm li dị chồng, cùng đứa con chưa
tròn 1 tuổi về nương tựa với gia đình. Rồi khi bà Võ Thị Bé bị bệnh tai biến nằm
liệt giường và không lâu sau đó bà Lê Thị Đê (ngoại chị Thêm) cũng lâm vào tình
trạng giống như bà Bé. Không biết bên trong gia đình này tổ chức như thế nào
nhưng là hàng xóm, láng giềng, tôi khẳng định chỉ mỗi chị Thêm chăm sóc 2 người
già ấy đến ngày qua đời. Những người con khác của bà Bé lâu lâu tôi mới thấy về
thăm một lần. Hồi sau Tết cổ truyền 2016, tôi chứng kiến một số anh, chị ruột của
chị Thêm vào dùng dao đốn hạ một số cây quanh 2 ngôi mộ trong đất chị Thêm và có
ký tên trong biên bản để tường trình cho Công an xã Tân Thành Bình”, ông Phạm
Văn Việt - Trưởng ấp Thanh Bình 1 cho biết.
Diễn biến vụ việc
Ngày 13-9-2016, Tòa án nhân
dân huyện Mỏ Cày Bắc xử bác đơn khởi kiện của 5 anh chị của chị Thêm. Bởi, kết
quả giám định chữ ký của Công an tỉnh cho thấy chữ ký và chữ viết của ông
Nguyễn Văn Trứ trong văn bản phân chia tài sản so với chữ viết và chữ ký mà
ông yêu làm mẫu do 1 người viết ra. Tương tự, đối với bà Nguyễn Thị Chiêm,
Nguyễn Thị Yêm cũng là một người. Trong khi đó, mẫu chữ ký của ông Nguyễn Văn
Triêm và bà Nguyễn Thị Nhạn chưa xác định được chứ không phải khẳng định
không do 2 người này viết ra.
Mặt khác, văn bản phân chia
tài sản ngày 22-11-2011 đã được UBND xã Tân Thành Bình chứng thực nên đủ giá
trị pháp lý. Các đương sự cũng thừa nhận giấy tay cho đất mà bà Nguyễn Thị
Thêm cung cấp cho tòa án là có thật, đồng thời xem xét những nội dung trên giấy
tay này thể hiện bà Võ Thị Bé cho quyền sử dụng đất cho bà Thêm chứ không phải
chỉ cho hưởng huê lợi như nội dung nêu trong nguyên đơn.
Phía 5 anh em đồng nguyên đơn
đã kháng án phúc thẩm lên Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre. Ngày 23-12-2016,
trong phiên xét xử do Thẩm phán Nguyễn Kim Tư làm chủ tọa đã lý luận các vấn
đề như: Tại sao bà Thêm không sử dụng giấy (bà Võ Thị Bé cho năm 2006) để tiến
hành đăng ký kê khai cấp quyền sử dụng đất mà đợi đến khi bà Bé chết mới làm;
tại phiên tòa bà Nguyễn Thị Thêm không cung cấp giấy tờ gì khác… và quyết định
chia 1,86 công đất mà bà Thêm đang sở hữu ra 6 phần theo pháp luật chia di sản.
Đồng thời, buộc bà Thêm phải đóng thêm hơn 6,1 triệu đồng khi tiếp tục sử dụng
khoảng 380m2 được chia theo pháp luật.
Trong khi đó, tại phiên xét xử
phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị y án sơ thẩm nhưng
không được tòa chấp nhận. |