Loại hình vay tiền trả góp (vay bạc góp) đang diễn ra khá nhiều trong xã hội. Thông thường, lãi suất cho vay loại này từ 5 đến 20%. Người vay không phải làm các thủ tục pháp lý như vay tiền ở ngân hàng hay các tổ chức tín dụng, mà phải thực hiện đúng nghĩa vụ góp tiền đều đặn mỗi ngày.
Đối với người cho vay, họ “nắm cán” người vay bằng việc tạm giữ giấy tờ của người vay (sổ đỏ, giấy tờ nhà hay giấy đăng ký xe). Cũng có một số trường hợp người cho vay đưa tiền rồi bảo người vay viết giấy nhận nợ. Trên thực tế, khi xảy ra “sự cố” đã có nhiều vụ đánh nhau, tranh chấp nợ vay dẫn đến kiện ra tòa.
Chị N.T.B. (TP. Bến Tre) làm nghề mua ve chai từ lúc tuổi mới lên mười và có trên 35 năm nghề. Chị B. tâm sự: Do hoàn cảnh nghèo, không được học hành nên phải chọn nghề mua ve chai, khổ nhất là phải vay tiền bạc góp để lo cho gia đình. Lúc đầu, chủ cho vay đưa cho chị B. một triệu đồng, mỗi ngày chị góp 40 ngàn đồng trong vòng 30 ngày. Thời gian đầu, chị B. góp rất đều, sau đó do mua bán ế ẩm nên chị B. không có tiền góp vào 6 ngày sau cùng. Trừ số tiền chưa góp đủ này (40 ngàn đồng x 6 ngày = 240 ngàn đồng), chủ nợ làm bài tính gộp đưa tiếp cho chị 760 ngàn đồng, và chị B. phải viết giấy nhận nợ một triệu đồng giao cho chủ nợ rồi tiếp tục góp trong vòng 30 ngày (mỗi ngày 40 ngàn đồng). Chị V.T.Ng. (TP. Bến Tre) làm nghề bán quán cóc cũng tương tự như trường hợp của chị B., vay bạc góp của chủ nợ nhiều lần, xoay nhiều vòng tính gộp. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con. Dẫu biết mình bị thiệt thòi nhưng cả hai vẫn phải chịu đựng. Đến khi chủ nợ đòi “rát”, chị Ng. cự cãi quyết liệt, suýt xảy ra đánh nhau…
Gần đây, TAND huyện Mỏ Cày Nam vừa đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” ra xét xử giữa nguyên đơn chị N. với bị đơn chị C. Khai trước tòa, tháng 11-2009, chị N. đã hai lần đưa cho chị C. tổng số tiền 65 triệu đồng, kèm theo hai tờ giấy nhận nợ của chị C. (một tờ ghi 55 triệu đồng và một tờ ghi 10 triệu đồng). Chị C. khai, chị nhận tiền vay trả góp của chị N. theo hình thức: nhận 5 triệu đồng, mỗi ngày góp 200 ngàn đồng với thời gian 30 ngày (tức phải trả nợ gốc và lãi là sáu triệu đồng). Chị C. nhận tiền vay trả góp nhiều dây (mỗi dây 5 triệu đồng), do không có khả năng trả vốn, lãi nên chị phải làm giấy nhận nợ 55 triệu đồng cho chị N.: sau đó làm tiếp giấy nhận nợ 10 triệu đồng, tổng cộng 65 triệu đồng. Chị C. không đưa ra được bằng chứng mà mình nhận tiền vay trả góp lãi cao từ chị N., cũng không chứng minh được số tiền mà chị đã trả cho chị N.. Tại tòa, nguyên đơn chị N. yêu cầu hội đồng xét xử tính lãi số tiền mà chị C. thiếu (theo lãi suất ngân hàng đối với từng thời điểm). Cuối cùng, Tòa đã tuyên buộc chị C. phải trả cho chị N. số tiền nợ gốc là 65 triệu đồng cùng với tiền lãi 8,1 triệu đồng, tổng cộng 73,1 triệu đồng. Bấy giờ chị C. mới ngậm ngùi nhận ra sự dại dột của mình.
Vay tiền trả góp, có tiện lợi nhất thời dành cho những người gặp khó khăn đột xuất, nhất là những người lao động chân tay mua gánh bán bưng. Song hầu hết, những con nợ của loại hình vay này đều phải chịu nhiều thua thiệt. Có rất nhiều người phải chịu cảnh nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả và dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng khác.