Khoan giếng nước mặn nuôi tôm trong vùng ngọt hóa - lợi bất cập hại

27/10/2011 - 17:40

Kỳ I:  Khoan giếng… nuôi tôm thu lợi cao?

Huyện Bình Đại là địa phương có phong trào nuôi tôm biển. Những năm gần đây phát triển khá mạnh với diện tích trên 16.000ha, được nuôi dưới nhiều hình thức như xen canh, luân canh, chuyên canh, tôm lúa. Hiện nay, tại các xã thuộc tiểu vùng I, II, III - vùng không qui hoạch nuôi tôm biển, nhưng nhiều hộ đã và đang tiếp tục đào ao, thuê khoan giếng nước mặn để nuôi tôm biển, nhất là tôm thẻ chân trắng, cả trong vườn dừa, vườn cây ăn trái. Do vậy, tình trạng phá vỡ qui hoạch vùng ngọt hóa đang là vấn đề bức xúc hiện nay ở Bình Đại, cần phải có biện pháp ngăn chặn.

Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp trở lại Bình Đại, đi trên đường tỉnh 883 khi qua khỏi địa phận xã Châu Hưng, thấy thấp thoáng những vuông tôm nằm xen trong vườn dừa, ruộng lúa. Điều rất bức xúc hiện nay là các ao nuôi đều nằm sát mặt đường tỉnh 883. Nhìn những vườn dừa, ruộng lúa, đất giồng màu mỡ đang lần lượt bị đào ao nuôi tôm biển, nhiều người qua lại không khỏi chạnh lòng. Bởi đây là vùng ngọt hóa được huyện qui hoạch trồng lúa, dừa, mía, cây ăn trái, hoa màu và các loại thủy sản nước ngọt. Nhiều vườn dừa mới trồng được một, hai năm, những vườn cây trái đang trong độ sung sức cũng bị đốn để đào ao nuôi tôm. Thấy vườn dừa mới trồng sắp cho thu hoạch nhưng bị đốn, chúng tôi ghé lại tìm hiểu, bà Nguyễn Thị N. ở Lộc Thuận cho biết, vườn trồng mới được 2 năm chưa có thu hoạch nhưng thấy người ta nuôi tôm thẻ chân trắng vụ vừa rồi trúng quá nên gia đình bà N. hùn với mấy người bà con đào ao nuôi thử. Chúng tôi sang một vuông tôm bên cạnh của chị Trần Thị B. cách ao chị N. chừng vài trăm mét. Chị B. phấn khởi nói, tôm thẻ dễ nuôi, thời gian chỉ khoảng 2 tháng rưỡi là thu hoạch. Hai năm qua, chị thu lãi trên 320 triệu đồng. Tôi hỏi, chị nuôi vậy có làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và có được chính quyền địa phương chấp thuận cho nuôi không? Chị hơi ngập ngừng nói: không, nhưng mà ở đây nhiều người cũng nuôi có sao đâu? Rời xã Lộc Thuận, chúng tôi tiếp tục đến xã Phú Long - một trong những điểm nóng của huyện Bình Đại về “phong trào” nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa. Khi vừa đến địa phận xã Lộc Thuận, tôi dừng xe, lấy vội máy ảnh định chụp vài bức mấy vuông tôm đang trong giờ máy chạy cho tôm ăn. Một chị trong nhóm hồ hởi bảo rằng: Gia đình tôi có 7 công đất ruộng, nhưng làm ăn không khá, do chi phí cao, giá lúa thấp. Hai năm rồi, gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm nhưng chỉ làm thử hai ao. Kết quả thấy phấn khởi, tôm trúng kiếm cũng được 200 triệu đồng. Hiện, tôi đang thuê khoan giếng đào tiếp phần đất còn lại để vụ tới sẽ thả luôn tôm thẻ chân trắng. Thấy tình trạng nuôi tôm ào ạt trên vùng ngọt hóa, chúng tôi không khỏi băn khoăn và trở lại UBND xã Phú Long. Theo báo cáo của ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND xã, Phú Long là một trong những xã được huyện chọn làm thí điểm ngọt hóa cục bộ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do giá tôm tăng cao, người nuôi có lãi nhiều nên trong xã phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ rất đáng lo ngại. Tình trạng khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm ngày càng gia tăng đến mức báo động. Theo thống kê, toàn xã có trên 450 cây giếng khoan. Thời gian qua UBND xã kết hợp với các ngành, đoàn thể xã, ấp tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân không được khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm theo tinh thần Công văn 957 của UBND huyện. UBND xã cũng đã có Công văn 460 về việc kiểm tra, hướng dẫn, vận động người dân không được khoan giếng. Vì lợi nhuận trước mắt từ việc nuôi tôm nên người dân bất chấp, tự khoan giếng mặc dù chính quyền đã cảnh cáo, nhắc nhở và xử lý. Theo ông Nguyễn Thành Trí, nguyên nhân do tình hình ngọt hóa cục bộ của xã đến nay chưa được thực hiện đồng bộ. Một số hộ dân trồng dừa, mía, lúa không mang lại hiệu quả do giá cả thấp, công lao động ngày càng tăng cao nên họ chuyển sang nuôi tôm. Hiện, xã cũng đang trong tình trạng lúng túng chưa có cách xử lý.

Rời Phú Long, chúng tôi tiếp tục đến xã Thạnh Trị cũng là điểm nóng về tình hình này. Dọc hai bên đường, những cánh quạt từ các vuông tôm làm tung nước trắng xóa cả mặt ao. Vuông tôm ở đây không giống như những xã khác, ao rất nhỏ, chỉ khoảng 500m2 đến 1.000m2 mặt nước và phần lớn đều nằm rải rác trong đất ruộng, vườn dừa, đất giồng. Chỉ một đoạn đường ngắn từ UBND xã đến huyện lộ 40 thì đã có mấy chục ao tôm như thế. Tuy nơi này không nhiều như ở Phú Long nhưng cũng có trên 265 cây giếng khoan lấy nước mặn nuôi tôm. Thấy một chủ vuông đang hì hục cùng mấy người thợ khoan giếng, tôi ghé lại hỏi thăm, một anh trong nhóm thợ vui vẻ cho biết: Cây nước có đường kính 60mm, khoan độ sâu khoảng trên dưới 100m, để có độ mặn chừng 30 phần ngàn trở lên. Mỗi giếng khoan chi phí khoảng 10 triệu đồng. Khi được hỏi:  khoan giếng có đăng ký hay xin phép địa phương gì không? Một anh trả lời, không, chỗ nào thuê là tụi tui làm, mà trước nay đâu nghe ai nói gì? Thấy tình hình quá bất ổn chúng tôi ghé vào UBND xã Thạnh Trị. Anh Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư kiêm Chủ tịch xã cho biết, xã Thạnh Trị này còn khá nghèo, ít điều kiện phát triển kinh tế. Mấy năm nay, nhờ nuôi tôm nên một số hộ dân khá lên. Toàn xã hiện chỉ có 1.252ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn đất sản xuất kém hiệu quả. Năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qui hoạch khu ngọt hóa Ba Lai với tổng diện tích 1.200ha. Trong đó, đất nuôi thủy sản 496ha, đất lúa 79ha, đất mía 135ha, đất trồng dừa 138ha, còn lại đất khác chiếm 352ha. Hiện nay, khu vực ấp Bình Thạnh 3 và ấp Bình Phú người dân đã thả nuôi tôm biển với diện tích 280ha, cá nước ngọt 10ha, chủ yếu là cá lóc bông. Tuy hiệu quả kinh tế đem lại từ việc nuôi tôm là rất lớn nhưng điều băn khoăn của xã hiện nay là tình trạng khoan giếng cây lấy nước mặn nuôi tôm diễn ra ngày càng ào ạt và khá phức tạp. Mặc dù UBND xã đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, nhắc nhở nhưng thực tế không thể ngăn chặn tình trạng nhiều hộ dân đang tiếp tục khoan giếng, do nuôi tôm thẻ chân trắng gần đây trúng mùa và trúng giá đậm. Song, một thực tế rất khó khăn cho địa phương hiện nay là tuy được ngọt hóa nhưng các công trình đê, cống chưa hoàn chỉnh nên không đủ nước ngọt tưới tiêu phục vụ trong trồng trọt, chăn nuôi. Để tháo gỡ khó khăn này, UBND xã đề nghị cần tiếp tục khai thông cống số 1 và nạo vét các tuyến kênh để đủ nước phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi. Định hướng cho địa phương trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, hỗ trợ cho vay ưu đãi khi chuyển đổi nghề cũng là vấn đề cần quan tâm.

 

Kỳ II:  Các ngành hữu quan lên tiếng cảnh báo

Đào ao nuôi tôm ngoài vùng qui hoạch ở xã Lộc Thuận. Ảnh: H.H

 

Theo bà Đặng Thị Hồng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, năm nay, tổng diện tích nuôi tôm biển thâm canh và bán thâm canh quay vòng đến cuối tháng 9 ở huyện Bình Đại là 4.782ha (trong đó tôm thẻ chân trắng 1.888ha), tăng 482 ha so với năm 2010. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng 1.335ha. Đến nay, sản lượng nuôi thủy sản đã thu hoạch 23.394 tấn, trong đó tôm nuôi đạt 15.894 tấn (năng suất bình quân tôm sú thâm canh đạt 5,5 tấn/ha, tôm thẻ đạt 10 tấn/ha). Mặt khác, do giá tôm ổn định và tăng cao nên đa số các hộ nuôi đều có lãi, cá biệt nhiều hộ lãi trên 500 triệu đồng. Đáng chú ý là hiện nay tôm thẻ chân trắng nuôi khá hiệu quả, thời gian nuôi ngắn chỉ từ 2 - 2 tháng rưỡi là thu hoạch, năng suất lại khá cao, có hộ đạt 15, 17 tấn/ha/vụ. Vì lợi ích trước mắt nên nhiều hộ bất chấp qui định của chính quyền địa phương, vẫn đào ao nuôi tôm, cả trong vùng qui hoạch. Theo điều tra bước đầu, hiện toàn huyện có tới 502ha nuôi tôm ngoài vùng qui hoạch, tập trung ở các xã: Thạnh Trị 280ha, Phú Long 160ha, Phú Vang 30ha, Lộc Thuận 23ha... Riêng tình trạng khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng, qua khảo sát thực tế cho thấy. đa số các giếng nước mặn đã được khoan từ nhiều năm trước đây. Đối với các xã tiểu vùng II là vùng ngọt hóa nhưng người dân tự phát chuyển diện tích trồng lúa, dừa, mía sang nuôi tôm. Toàn huyện hiện có 863 giếng khoan, trong đó tập trung nhiều nhất là xã Phú Long 450 giếng, xã Thạnh Trị 265 giếng. Bà Đặng Thị Hồng cho biết thêm, mặc dù có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo xuyên suốt của  huyện, các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý nhưng tình trạng nuôi tôm biển ngoài vùng qui hoạch tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, việc khoan giếng  lấy nước mặn trong vùng ngọt hóa để nuôi tôm biển trong thời gian qua chưa có biện pháp xử lý nghiêm nên trong năm 2011 tình trạng khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm ngày càng phức tạp. Còn theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Nam, ngày 1-7-2011, Phòng tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định 1527 thành lập Tổ công tác vận động các hộ dân không tiếp tục khoan giếng lấy nước mặn trong vùng qui hoạch ngọt hóa trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Công tác quản lý qui hoạch của địa phương và việc xử lý khoan giếng lấy nước mặn của các hộ dân tại các vùng qui hoạch ngọt hóa chưa được quan tâm thực hiện nghiêm. Trong quá trình vận động, các hộ dân mới phát sinh đào ao và khoan giếng chuẩn bị thực hiện nuôi tôm chỉ đồng ý thực hiện không nuôi thủy sản trong vùng qui hoạch ngọt hóa theo chủ trương chung của huyện khi các hộ dân đã nuôi nhiều năm rồi cùng thực hiện. Việc khoan giếng nuôi tôm của các hộ dân trong vùng ngọt hóa đã thực hiện trong nhiều năm, trở thành tập quán và mang lại lợi ích kinh tế cao nên việc chuyển đổi mô hình sản xuất không sử dụng nguồn nước mặn trong vùng qui hoạch ngọt hóa gặp rất nhiều khó khăn, do các hộ không biết chuyển đổi theo mô hình nào cho phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, các ngành chức năng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng đã có tờ trình gởi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước. Trước mắt, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch điều tra, thống kê các hộ khoan giếng nước mặn phục vụ nuôi tôm biển ngoài vùng qui hoạch nhằm thực hiện phân loại để có hướng khắc phục. Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện có hướng dẫn cụ thể đối với các hộ nuôi thủy sản có sử dụng nguồn nước mặn trong vùng qui hoạch ngọt hóa thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với hiện trạng ao nuôi, với qui hoạch sử dụng đất trong vùng ngọt hóa.

Theo Thông báo kết luận số 73, ngày 25-10-2011 của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Măn tại cuộc họp ngày 12-10-2011 giữa huyện với các sở, ngành tỉnh về việc bàn các biện pháp vận động, xử lý việc nuôi tôm biển ngoài vùng qui hoạch, trong vùng ngọt hóa: Những năm gần đây, do nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả cao nên có một bộ phận nông dân trong vùng qui hoạch ngọt hóa đã tự phát đốn dừa, mía, cây ăn trái để khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm biển. Việc làm đó ảnh hưởng đến qui hoạch ngọt hóa, tác động xấu đến môi trường sinh thái của vùng, nếu không ngăn chặn kịp thời, sẽ phá vỡ qui hoạch sản xuất nông nghiệp bền vững toàn huyện. Để ngăn chặn việc làm trên, UBND huyện yêu cầu Tổ công tác liên ngành huyện phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thuyết phục để người nuôi biết rõ tác hại của việc khoan giếng nước mặn nuôi tôm. Kết hợp công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, xem công tác vận động, thuyết phục là chính, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp đã vận động, giáo dục nhưng không chấp hành, cố ý vi phạm. Tổ công tác phối hợp với UBND các xã có nông dân nuôi tôm biển ngoài vùng qui hoạch tiến hành khảo sát nắm chắc diện tích, số hộ, số giếng nước mặn để phân loại cụ thể, có hướng xử lý phù hợp. Khi tuyên truyền, vận động yêu cầu người nuôi ký cam kết không tiếp tục nuôi và khắc phục việc đã khoan giếng nước mặn. Phòng NN&PTNT hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế, nhất là xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. Chủ tịch UBND các xã nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhất là lĩnh vực quản lý qui hoạch, môi trường.

Phòng NN&PTNT đề nghị huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, kiểm soát và lập biên bản đình chỉ khoan giếng và đào ao đối với các trường hợp mới phát sinh. Thường xuyên tổ chức vận động các hộ dân đã nuôi thủy sản có sử dụng nguồn nước mặn qua nhiều năm thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp với hiện trạng ao nuôi. UBND các xã kiểm tra ngăn chặn các hộ dân khoan giếng nước mặn để bơm vào ao nuôi trồng thủy sản...

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN