Khởi kiện trong trường hợp không biết địa chỉ của bị đơn

20/09/2020 - 21:50

Bà Nguyễn Thị Ba (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Năm 2003, tôi có làm tờ ủy quyền cho ông S. đi thu tiền nợ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, thời hạn ủy quyền sau khi công việc hoàn tất. Năm 2005, ông S. chuyển đi nơi khác ở. Sau đó, tôi gặp được những người thiếu nợ thì biết ông S. đã thu nợ được 162 triệu đồng cùng với 17 chỉ vàng 24k (có biên nhận do chính ông S. ký tên). Tôi đi tìm ông S. đã nhiều năm nhưng không gặp, vì ông thay đổi chỗ ở nhiều nơi.

Xin hỏi, tôi có thể khởi kiện ông S. không, khởi kiện ở đâu và thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015: Trong đơn khởi kiện, người khởi kiện (nguyên đơn) phải ghi đầy đủ: “Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện”.

Nếu trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi địa chỉ của bị đơn hoặc người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì đây sẽ là căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo Điểm e, Khoản 1, Điều 192 Bộ luật TTDS.

Mặt khác, theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 192 Bộ luật TTDS: Trường hợp trong đơn khởi kiện đã được người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ thay đổi chỗ ở mà không thông báo cho người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được, nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ, thì Thẩm phán (thụ lý vụ án) không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tính giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Căn cứ quy định của pháp luật như nêu trên và với thông tin bà cung cấp, thì vụ việc của bà thuộc trường hợp người khởi kiện (là bà) không xác định được địa chỉ nơi cư trú của bị đơn (ông S.), do bị đơn (ông S.) cố tình che giấu, liên tục thay đổi chỗ ở, trốn tránh nghĩa vụ giao nộp lại số tiền thu nợ theo hợp đồng ủy quyền giữa hai bên.

Do vậy, bà có thể nộp đơn khởi kiện ông S. tại Tòa án nơi ông S. cư trú ổn định cuối cùng (tại thời điểm tham gia hợp đồng ủy quyền với bà). Đồng thời, để Tòa án thụ lý giải quyết thì bà cần phải cung cấp, ghi đúng địa chỉ của ông S. như trong hợp đồng ủy quyền (có công chứng, chứng thực) hoặc có chứng cứ khác để chứng minh địa chỉ cư trú này là của ông S., thì Tòa án sẽ tiến hành nhận đơn khởi kiện của bà và thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm: đơn khởi kiện phải được làm theo mẫu, đúng quy định tại Điều 189 Bộ luật TTDS; giấy tờ tùy thân của bà và của ông S. (nếu có); các tài liệu liên quan đến hợp đồng ủy quyền giữa bà và ông S.; các biên nhận thu tiền nợ do ông S. ký nhận và các tài liệu chứng cứ liên quan khác (nếu có).

Sau khi vụ án đã được Tòa án thụ lý giải quyết mà Tòa án vẫn không gửi được văn bản cho ông S., thì Tòa án vẫn tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật mà không đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN