|
Trao giải thưởng cho các tác giả có dự án ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc tại Bến Tre. |
Trong phát triển kinh tế, đối với Bến Tre, một trong những thách thức lớn nhất và luôn được đề cập đến hiện nay là ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vấn đề này được nhiều đại biểu các bộ, ngành, Trung ương đặc biệt quan tâm, lưu ý đối với người khởi nghiệp và doanh nghiệp đầu tư tại Bến Tre trong dịp Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017 vừa qua.
Thách thức và cơ hội
Trình bày vấn đề này, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: BĐKH đang diễn ra nhanh hơn do
tác động từ thượng nguồn Mekong, trong đó có phát triển thủy điện, khai thác rừng,
cát, tài nguyên nước... Phát triển của một số vùng hiện nay thiếu bền vững bởi
phát triển kinh tế nhưng đồng thời đang làm suy giảm rừng, khai thác nước ngầm
quá mức; phát triển kinh tế nhưng xả thải ra môi trường.
Vì thế, ông nhận định: “Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước
rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định tâm thế là tìm cách để
vượt qua, tận dụng tất cả những gì có lợi thế. Đối với khởi nghiệp, tôi cho rằng
là có giải pháp thích ứng, giảm nhẹ các rủi ro thiên tai và BĐKH. Cơ hội của
người khởi nghiệp là biết chọn phát triển những mô hình nông nghiệp thông minh,
thích ứng BĐKH, mô hình sử dụng hiệu quả nước lợ, nước mặn để phát triển nông
nghiệp, tiết kiệm nước ngọt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học
và công nghệ. Trong bối cảnh này, các nguồn lực trong nước, quốc tế ngày càng
quan tâm hơn và sẽ rót nhiều nguồn vốn tập trung vào đây - mang đến cơ hội cho
người khởi nghiệp”.
Viện dẫn thêm về cơ hội cho người khởi nghiệp theo hướng
thích ứng, ứng phó BĐKH, ông Thắng cho biết, giai đoạn 2017 - 2020, Bến Tre nhận
được những nguồn vốn lớn nhất trong đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, đã có
nguồn vốn ODA của Nhật, Ngân hàng Thế giới, vốn trái phiếu Chính phủ, cộng thêm
thu hút đầu tư của Bến Tre cũng như khu vực tư nhân trong và ngoài nước...
Đặc biệt, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - bà Charlotte
Laursen bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm của Đan Mạch,
chuyên môn kỹ thuật, các sản phẩm cũng như công nghệ có thể ứng dụng ở Bến Tre
trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, môi trường, thủy sản, xử lý nước, sản xuất
và tiết kiệm năng lượng, BĐKH và tăng trưởng xanh”. Bên cạnh đó, hầu hết nhà đầu
tư lớn trong và ngoài nước cũng đã hứa hẹn sẽ đầu tư phát triển song song với bảo
hộ, hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre trong thời gian tới theo hướng
thích ứng BĐKH, sản xuất năng lượng sạch.
Khai thác, sử dụng
tài nguyên hiệu quả
Việc khai thác quá mức đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên
thiên nhiên đang gây BĐKH, tác động lớn đến đời sống, kinh tế khu vực hạ nguồn
sông Mekong, trong đó có Bến Tre. Thực tế này đang đặt ra thách thức cho người
khởi nghiệp trong ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT). Ông Võ Tuấn Nhân
- Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ: “Khởi nghiệp là một chủ trương để đất nước
phát triển, giới trẻ bắt đầu lập thân lập nghiệp. Đối với ngành TN&MT, khởi
nghiệp là một trong những chủ đề rất nóng trong giai đoạn hiện nay. Lập nghiệp
bây giờ không chỉ khai thác tài nguyên mà còn sử dụng hợp lý tài nguyên. Lập
nghiệp bây giờ phải gắn với khoa học công nghệ để phát triển kinh tế, gắn với bảo
vệ môi trường. Lập nghiệp phải tạo ra của cải vật chất thân thiện với môi trường”.
Ông Nhân nhấn mạnh, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ
trong lập nghiệp là cực kỳ quan trọng. Ngành TN&MT rất phong phú, đa dạng
và hấp dẫn cho người khởi nghiệp với nhiều lĩnh vực để đầu tư nghiên cứu và khởi
nghiệp sáng tạo như: năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ bảo vệ môi
trường, tái chế, sử dụng chất thải rắn, rác thải, xử lý khí thải, nước thải,
đây là vấn đề rất thiết thực trong cuộc sống hiện nay. Bởi giai đoạn hiện nay,
rác thải là nguồn nguyên liệu đầu vào, là mảnh đất rất tốt cho những ai biết ứng
dụng công nghệ để tái chế trở thành nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho lĩnh vực
sản xuất khác.
“Tôi mong muốn lớp trẻ suy nghĩ và đầu tư lập nghiệp
trong lĩnh vực TN&MT. Vì đây là đề tài phong phú, hấp dẫn đối với những người
có tâm huyết, biết ứng dụng khoa học công nghệ trong giai đoạn hiện nay. Những
người lập nghiệp ở lĩnh vực này cũng cần được sự khuyến khích, bồi đắp. Vì
ngoài ý nghĩa kinh tế, còn có ý nghĩa xã hội, phục vụ sức khỏe con người và vì
sự phát triển bền vững, vượt lên các thách thức của BĐKH...”, Thứ trưởng Bộ
TN&MT chia sẻ.