Khởi nghiệp từ sản phẩm mắm nghêu

27/05/2024 - 05:25

BDK - Sinh ra và lớn lên tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, địa phương có nguồn nguyên liệu nghêu dồi dào, nhưng nhận thấy tiềm năng giá trị kinh tế con nghêu chưa được phát huy cao, nghêu thương phẩm không bảo quản được lâu, với mong muốn nâng cao giá trị tài nguyên bản địa từ nguồn lợi con nghêu, chị Trần Thị Thanh Vân, ở ấp Thừa Trung, đã nảy ra ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp với sản phẩm mắm nghêu.

Chị Trần Thị Thanh Vân giới thiệu sản phẩm mắm nghêu cho khách hàng.

Để hiện thực hóa ý tưởng chế biến con nghêu thành mắm, sau khi nghiên cứu công thức chế biến, ban đầu chị làm để ăn và tặng người thân, bạn bè dùng thử. Từ những phản hồi góp ý, qua nhiều lần điều chỉnh, chị Vân đã chuẩn hóa được công thức ướp chuẩn vị. Tuy thời gian đầu tiếp cận thị trường khó khăn do sản phẩm mới lạ, nhưng với sự sáng tạo, tư duy đổi mới trong kinh doanh, nắm bắt xu thế công nghệ, chị đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm mắm nghêu trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… và đã đạt kết quả ban đầu khả quan.

Hiện tại, sản phẩm mắm nghêu của chị đã có đầu ra ổn định trong và ngoài tỉnh, mỗi tháng bán ra khoảng 50 hũ mắm nghêu, trọng lượng mỗi hũ 500gram, giá bán 120 ngàn đồng/hũ. Chị Trần Thị Thanh Vân chia sẻ, để làm ra 500gram mắm nghêu, cần từ 2 - 3kg nghêu tươi tùy kích cỡ, loại nghêu phù hợp được chị Vân chọn chế biến mắm là từ 50 - 70 con/kg. Mắm nghêu được chế biến qua các bước như: nghêu mua về ngâm với nước sạch khoảng 10 phút, tách lấy thịt, rửa lại với nước muối, để ráo, ngâm với rượu, ướp gia vị rồi cho vào hũ đậy nắp kín sau đó đem phơi nắng. Tuy đơn giản, nhưng đòi hỏi phải cẩn trọng trong việc tách thịt nghêu và quan trọng hơn hết là công thức kết hợp, cân đối pha ướp hài hòa các loại nguyên liệu, gia vị để đảm bảo mùi vị, độ dai vừa phải của con nghêu mà không bị tanh.

Chị Vân cho biết thêm, quá trình sơ chế, chế biến mắm nghêu, chị Vân chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng phẩm màu, không chất bảo quản và phụ gia đảm bảo thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Mắm nghêu được bảo quản cẩn thận trong hũ và có thời gian sử dụng khá lâu. Sản phẩm có thể dùng ăn liền hoặc chế biến theo nhiều cách tùy sở thích.

Mặc dù khởi nghiệp từ sản phẩm mắm nghêu chỉ là nguồn thu nhập thêm ngoài nguồn thu nhập chính là kinh doanh quán giải khát, nhưng đã cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Để tạo hướng đi bền vững, phát huy hiệu quả tối đa giá trị sản phẩm mắm nghêu và tạo thương hiệu trên thị trường, ngoài chất lượng sản phẩm được khẳng định, chị Vân còn đăng ký tham gia sản phẩm OCOP và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để xây dựng hình ảnh sản phẩm chỉn chu, bắt mắt thu hút khách hàng và hướng đến mở rộng quy mô sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thừa Đức Nguyễn Thị Minh Thơ cho biết: Sản phẩm mắm nghêu của chị Vân là cách làm mới đầu tiên của xã và cho hiệu quả khả quan. Hội Nông dân xã sẽ tham mưu với chính quyền địa phương và các ngành huyện hỗ trợ về mọi mặt để đưa sản phẩm mắm nghêu tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài huyện; đồng thời đưa lên sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, ngoài sản phẩm mắm nghêu, chị Vân còn phát triển thêm các dòng sản phẩm mắm tôm chua, mắm ba khía và chị cũng đang chế biến thử nghiệm mắm hàu, nhằm đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tất cả các sản phẩm của chị đều được khai thác từ nguồn tài nguyên bản địa.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN