
Các doanh nghiệp tiêu thụ bưởi da xanh cho nông dân. Ảnh: Hữu Hiệp
Sản lượng nông sản lớn
Theo số liệu thống kê, cây giống và hoa kiểng tập trung ở 2 huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc với tổng số lượng hoa kiểng hơn 8 triệu sản phẩm, chủ yếu là mai vàng, bông giấy, vạn thọ và một số loại kiểng khác. Huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc có thế mạnh sản xuất hoa kiểng và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhà nước cũng có nhiều quan tâm như đầu tư kinh phí xây dựng đê bao, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện cho nông dân vận chuyển các sản phẩm ra thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ; đối với các tỉnh Tây Nguyên và miền Bắc thì chủ yếu là các sản phẩm như mai vàng, hoa giấy... Đối với các chợ truyền thống, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định có tổ chức các chợ hoa xuân hay không, còn tùy vào tình hình dịch bệnh.
Về dừa, bưởi da xanh, heo, bò, gà, vịt, tôm, dê: dừa: sản lượng dự kiến 1,8 triệu trái, trong đó dừa uống nước khoảng 800 ngàn trái, dừa công nghiệp khoảng 1 triệu trái, thời điểm thu hoạch từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Bưởi da xanh: sản lượng dự kiến 215 tấn, tập trung tại TP. Bến Tre và huyện Giồng Trôm, thời điểm thu hoạch từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Heo thịt: sản lượng dự kiến 167,65 tấn, tập trung tại TP. Bến Tre, huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm, thời điểm xuất chuồng từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022. Bò thịt: sản lượng dự kiến 30 tấn, thời điểm xuất chuồng từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Gà: sản lượng dự kiến 75 tấn, thời điểm xuất chuồng dự kiến từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Vịt: sản lượng dự kiến 50 tấn, thời điểm xuất chuồng từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Tôm: sản lượng tôm càng xanh dự kiến 60 tấn, tập trung tại huyện Thạnh Phú, thời điểm thu hoạch từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022.
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ
Để tiêu thụ lượng hàng nông sản khá lớn này, ngành NN đưa ra một số giải pháp thực hiện như: về cây giống, hoa kiểng: hỗ trợ các hoạt động thông tin tuyên truyền, tổ chức đoàn khảo sát thị trường, giao thương kết nối tiêu thụ cây giống, hoa kiểng, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng...

Khảo sát mô hình trồng chôm chôm ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Ảnh: H. Hiệp
Về dừa, bưởi da xanh, heo, bò, gà, vịt, tôm, dê: đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua các kênh giới thiệu hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh, thành phố. Tăng cường công tác khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (online) như: Voso, Postmart... Đặc biệt, các mặt hàng thống kê có sản lượng lớn như dừa, bưởi da xanh và heo thịt cần đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ.
Về lâu dài, tập trung tăng cường truyền tải thông tin, quảng bá hình ảnh, đặc điểm sản phẩm dừa của tỉnh như: xây dựng video quảng bá, giới thiệu sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào các công đoạn, các khâu từ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng cao sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phân tích và đánh giá xu hướng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP... tại các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận phục vụ nhu cầu phát triển thị trường, nhất là cho thị trường xuất khẩu như: dừa, bưởi, tôm, heo, bò.
Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP.
Tiếp tục hỗ trợ, theo dõi tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản mặn, lợ, ngọt trên địa bàn tỉnh. Tập trung chú trọng các sản phẩm như tôm nước lợ, cá tra, tôm càng xanh giúp cho hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh được thông suốt.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung chỉ đạo, tuyên truyền mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhất là yêu cầu tuân thủ “5K” và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh. Chủ động triển khai công tác thông tin, dự báo thời tiết phòng chống mưa bão, hạn mặn và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên bò, dịch tả lợn châu Phi, sâu đầu đen gây hại dừa. Tập trung hỗ trợ, tư vấn nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông sản hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. |
Nguyễn Thủy