Sau Tết, công nhân lao động biến động không đáng kể
Đến ngày 31-1-2012 (mùng 10 tháng Giêng), 17/17 doanh nghiệp ở 2 Khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long đã hoạt động trở lại, không khí lao động nhộn nhịp và khẩn trương. Có 13.065/13.404 công nhân đã trở lại nhà máy làm việc. Các Công ty TNHH COVINA, Công ty TNHH 1 thành viên chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần mía đường Bến Tre, Công ty TNHH Min Wie Việt Nam, Công ty TNHH Định Phú Mỹ, Nhà máy giấy Giao Long, Công ty TNHH 1 thành viên PICA Việt Nam, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phương Đông có 100% công nhân đã trở lại làm việc.

Công nhân sản xuất bộ dây điện dùng trong xe hơi, tại Khu công nghiệp Giao Long. Ảnh: H.H
Công ty TNHH 1 thành viên FAS đã lên kế hoạch sản xuất trong những ngày nghỉ và được 85% công nhân lao động đồng ý, thời gian làm việc từ ngày 21-1 đến ngày 25-1-2012 được trả 400% lương cộng thêm 300.000 đồng/người/ngày; từ ngày 26-1 đến 29-1-2012 trả 200% lương. Công nhân bộ phận mặt đường Công ty TNHH 1 thành viên Công trình đô thị bắt đầu làm việc từ 17 giờ ngày 23-1-2012 (nhằm ngày mùng 1 Tết) được trả 300% lương cộng với quà của các đoàn đến thăm và chúc Tết đơn vị.
Theo ông Huỳnh Văn Toàn - Chánh văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, sau Tết Nguyên đán công nhân trở lại làm việc tại các nhà máy ở 2 Khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long tuy có biến động so với trước Tết nhưng không đáng kể như năm 2011. Rất ít trường hợp công nhân đang làm việc ở công ty này lại chuyển sang công ty khác, số công nhân chưa trở lại làm việc có nguyên nhân do nhà xa. Ông Toàn cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách hợp lý để giữ chân họ. Một số doanh nghiệp ngày đầu tiên “lì xì” cho công nhân đến làm việc, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động. Trước khi nghỉ Tết, hầu hết công ty đều hỗ trợ công nhân lương tháng 13 để có thêm khoản tiền vui xuân, đón Tết. Công nhân còn được nhận mức thưởng thấp nhất 300.000 đồng/người và cao nhất là 15 triệu đồng/người.
Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Bến Tre
Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp, hai Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp đã cấp phép cho 26 dự án đầu tư, trong đó có 12 dự án trong nước, vốn đăng ký 1.963,82 tỷ đồng và 14 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đầu tư 187,04 triệu USD. Hiện có 17 dự án chính thức đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động. Các doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia: Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ… phần lớn nhà máy mới đi vào hoạt động, đạt kết quả khả quan.
Ông Huỳnh Văn Nuôi - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp nhận định, năm nay, kinh tế thế giới và trong nước còn gặp khó khăn nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu thông tin và cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp. Một số công ty có nhà máy hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đang thiếu lao động muốn chuyển dự án về các tỉnh. Công ty TNHH 1 thành viên Pung Kook (Hàn Quốc), Công ty TNHH may mặc Alliance One (Thái Lan), Công ty TNHH 1 thành viên FAS (Nhật Bản), Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Huy Thuận đang có nhu cầu mở rộng sản xuất. Để tạo thế và lực mới trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư đạt hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là phát triển công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; đổi mới nội dung và phương pháp xúc tiến đầu tư; có chính sách phát triển nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng tiện ích xã hội phục vụ cho phát triển công nghiệp; hoàn thiện chính sách kêu gọi hạ tầng khu công nghiệp; xây dựng quy hoạch chi tiết khu công nghiệp; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; huy động vốn hạ tầng các khu công nghiệp.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh xác định thu hút đầu tư phải đi đôi với việc sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư. Các khu công nghiệp ưu tiên kêu gọi đầu tư các ngành nghề: chế biến nông - thủy sản (chế biến dừa, thủy - hải sản); sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện tử có giá trị gia tăng cao; các ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho công nghiệp; các ngành nghề may mặc, giầy da.