Không phải vụ án nào cũng áp dụng biện pháp tạm giam

02/01/2017 - 07:39

Ông Hồ Văn Thật (Thạnh Phú) hỏi: Con trai tôi đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, trong lúc đánh nhau với ông A. thì bị ông A. gây thương tích. Cơ quan Công an đã mời ông A. tới làm việc, sau đó cho về. Con tôi bị tỷ lệ thương tật 12% và ông A. vẫn chưa bồi thường tiền điều trị thương tích 12 triệu đồng. Xin hỏi vì sao ông A không bị tạm giam và tôi phải làm gì?

Vấn đề ông Hồ Văn Thật hỏi, Luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

Trường hợp con trai ông bị ông A. đánh gây thương tích với tỷ lệ thương tật 12%. Cơ quan Công an có mời ông A. tới làm việc, sau đó cho về. Ông A. không bị tạm giam, có thể cơ quan điều tra xét thấy chưa đủ căn cứ để tạm giam.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 88 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a. Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng;

b. Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong phạm vi quyền hạn tố tụng của mình có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo. Theo đó, không phải vụ án nào cũng áp dụng biện pháp tạm giam.

Vì vậy, không cần thiết phải yêu cầu cơ quan tiến hành áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông A.

H.Đức (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN