Ấn tượng năm 2009
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Năm 2009, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến kinh tế khó khăn, nạn thất nghiệp trầm trọng, khách du lịch thắt chặt hầu bao và thận trọng hơn trước khi quyết định đi du lịch. Do vậy, Ngành Du lịch thế giới đã phải chịu sự suy giảm nặng nề.
Trong tình hình đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng suy giảm. Ngay từ cuối năm 2008, lượng khách quốc tế vào Việt Nam đã giảm mạnh. Các khách sạn đều đứng trước tình trạng thiếu khách, công suất phòng đạt thấp. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng lâm vào tình trạng không có khách hoặc bị hủy khách. Ngành Du lịch đối mặt với những khó khăn và thách thức quá lớn kể từ năm 2003 đến nay.
Song với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp và sự hỗ trợ từ Chính phủ, du lịch Việt Nam vẫn khởi sắc và biểu hiện rõ nhất qua hiệu quả của chương trình kích cầu “Ấn tượng Việt Nam”, được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp trên toàn quốc, đặc biệt là tại các điểm du lịch chính.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã tham gia Chiến dịch khuyến mại với các hoạt động cụ thể như giảm giá, khuyến mại các dịch vụ và nhiều hình thức khuyến mại khác. Giá phòng bình quân của khách sạn từ 3 – 5 sao ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm du lịch lớn nhất cả nước đã giảm ít nhất là 30% so với giá tháng 5/2008.
Hàng không Việt Nam đã có chương trình giảm giá vé máy bay nội địa tới 60% trên các tuyến bay nội địa Hà Nội – Huế, Hà Nội – Đà Nẵng và Hồ Chí Minh – Huế, Hồ Chí Minh – Đà Nẵng cũng như một số đường bay khác.
Một số doanh nghiệp lữ hành đã triển khai tốt việc bán tour khuyến mại cho khách tới Huế và các tỉnh miền Trung sau khi nhận được giá khuyến mại của Hàng không và các khách sạn trên địa bàn một số tỉnh miền Trung.
Hiệu quả của chương trình đã tác động tới nhiều lĩnh vực liên quan đến du lịch, góp phần quan trọng chặn đà suy giảm, khôi phục tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam và đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng mạnh du lịch nội địa.
Nhờ vậy, năm 2009, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,8 triệu lượt, giảm 10% so với năm 2008, mức giảm thấp nhất so với những tháng đầu năm 2009.
Kết quả của du lịch nội địa năm 2009 đạt 25 triệu lượt, tăng 20%. Một tin hiệu vui khi lượng khách nội địa sử dụng dịch vụ tại các khách sạn, khu du lịch cao cấp từ 3 – 5 sao tăng cao, góp phần tăng thu nhập du lịch của cả nước trong năm vừa qua.
Thêm vào đó, tốc độ giảm lượng khách quốc tế thấp trong những tháng cuối năm 2009, trong khi khách nội địa tăng nhanh, vì vậy tổng thu nhập Ngành Du lịch đạt khoảng 68.000 – 70.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2008.
Kết quả trên càng có ý nghĩa khi năm 2009, những khó khăn về kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu du lịch của khách du lịch trên toàn cầu.
Thay đổi để bứt phá
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo, ngành du lịch toàn cầu sẽ phục hồi mạnh trong năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính, thiên tai…
Tổ chức này cũng cho biết, trong năm 2009, du lịch thế giới đã giảm khoảng 4%, nhưng sẽ phục hồi từ 3-4% trong năm nay. Trên thực tế, sự phục hồi này đã bắt đầu từ quý IV năm 2009.
Đối với Việt Nam, cùng với kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế đất nước, sự phục hồi tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010 là dấu hiệu đáng mừng đối với ngành du lịch.
Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 900.000 lượt (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2009). Trong đó, lượng khách đến chủ yếu từ các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu… Điều đó chúng tỏ, những chiến dịch quảng bá, kích cầu đã phát huy hiệu quả.
Về lượng khách nội địa, theo ông Nguyễn Văn Tuấn “chưa bao giờ sôi động như vậy” khi chỉ trong hai tháng đầu năm, du lịch đã thu hút được 10 triệu lượt người. Điều đó, theo ông Tuấn là “kết quả của sự nỗ lực toàn ngành đang lan toả”.
Năm 2010, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng nguồn thu từ du lịch khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Năm Du lịch quốc gia, 50 năm thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2010)… Một yếu tố quan trọng nữa là hình ảnh Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế, các hoạt động ngoại giao, văn hoá giữa nước ta với nhiều nước trên thế giới đã diễn ra rất sôi động và hiệu quả trong năm 2009.
Tuy vậy, theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch), năm 2010, ngành du lịch còn có những khó khăn để có thể đạt được mục tiêu vừa được Tổng cục đặt ra trong chương trình kích cầu du lịch năm 2010 với tên gọi “Việt Nam- Điểm đến của bạn”.
Việc thu hút 4,2 triệu lượt khách quốc tế và từ 27- 28 triệu lượt khách nội địa là mục tiêu không dễ dàng khi chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã hết, sự phục hồi du lịch chưa vững chắc, sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, diễn biến thất thường của thiên tai và bão lũ…
Cũng vì thế, theo ông Vũ Thế Bình, trong nội dung kích cầu du lịch năm 2010 có những điểm mới sẽ được thực hiện và phải thực hiện bằng được để đưa du lịch Việt Nam có bước chuyển mạnh mẽ, tạo đà cho những năm tiếp theo. Theo đó, sẽ có chiến dịch bán hàng giảm giá nhằm chuyển hướng du lịch tiếp cận với mô hình du lịch mua sắm, gắn thương mại với du lịch, tập trung vào những thị trường trọng điểm, không dàn trải.
Bên cạnh đó, chương trình xúc tiến tại chỗ (dịch vụ, đón tiếp…) đóng vai trò rất quan trọng, bởi điều này sẽ tạo nên ấn tượng với khách du lịch để từ đó họ chọn Việt Nam là “điểm đến”. Điều này, theo ông Vũ Thế Bình, chúng ta còn làm chưa tốt và năm 2010 bắt buộc phải làm được. Ngoài ra, theo ông Bình, hơn 3 triệu kiều bào ta ở nước ngoài chính là những người có khả năng quảng bá và góp phần thu hút khách quốc tế rất tốt nếu chúng ta có chính sách khuyến khích, hướng dẫn họ.
Song trên hết, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cần tạo được sự liên kết, đồng thuận giữa du lịch với các ngành kinh tế khác, giữa các địa phương, các doanh nghiệp. Điều này được biểu hiện sinh động trong năm 2009, khi ngành du lịch chịu tác động nặng nề từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, bằng sự nỗ lực chung, ngành du lịch Việt Nam vẫn có sức đề kháng mạnh và đạt được những kết quả đúng với tên gọi “Ấn tượng Việt Nam”. Và yếu tố này cần được phát huy để tạo dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và chất lượng như mục tiêu được đề ra trong năm 2010./.