
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH tham gia thảo luận tại hội trường.
Qua nghiên cứu pháp luật Việt Nam gần như luật nào cũng có nội dung giao trách nhiệm cho UBND cấp xã, nhưng nguồn lực được giao và chế độ chính sách thì không tương xứng, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, là đối tượng "3 không". Không giới hạn thời gian làm việc, có việc thì phải làm, không kể trong giờ hay ngoài giờ hành chính; không công tác phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp thai sản, tai nạn cho dù phải thường xuyên cơ động trên địa bàn rộng và khó khăn; không được tăng lương cho dù có thâm niên bao nhiêu năm. Tâm lý bất mãn và thiếu nhiệt huyết trong công việc của người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng phổ biến.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có lộ trình để chuyển đổi người hoạt động không chuyên trách cấp xã sang công chức theo đúng vị trí việc làm và tương ứng với khối lượng công việc được giao ngày càng nhiều ở cơ sở, để bảo đảm chế độ, chính sách đầy đủ công bằng, giải tỏa tâm lý bất mãn trong nhóm đối tượng này trước khi quá muộn. Định kỳ 3 năm nâng mức phụ cấp cho nhóm đối tượng này theo một tỷ lệ nhất định, phù hợp với điều kiện đảm bảo ngân sách quốc gia.
Cùng là công tác trên biển, phải đối mặt với thời tiết bất lợi, điều kiện sinh hoạt khó khăn, phải xa gia đình nhưng kiểm ngư là lực lượng dân sự chấp pháp, thực hiện chức năng thực thi pháp luật thủy sản trên biển. Đồng thời cũng tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển. Trong quá trình thực thi công vụ đôi khi kiểm ngư cũng gặp các đối tượng manh động chống đối, trong khi mức tiền lương và phụ cấp thì chưa tương xứng. Hiện nay tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, áp lực tháo gỡ thẻ vàng của EC càng lớn, phụ cấp cho 15 ngày đi biển của 1 thuyền viên chỉ gần 3 triệu đồng, mỗi năm chỉ được đi 3 chuyến biển, nhưng hiện nay phụ cấp này không được áp dụng, đến nay đã có 23% thuyền viên bỏ việc. Với chế độ, chính sách như vậy đại biểu e rằng khó tuyển được thuyền viên để thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh đang còn khiếm khuyết theo Luật Thủy sản và cũng đáp ứng khuyến nghị của EC đang giám sát ở Việt Nam.
Đại biểu đề nghị sửa đổi Nghị định số 12/2020 tiếp tục cho phép thực hiện các chế độ, chính sách cho lực lượng kiểm ngư theo Nghị định số 26/2019 của Chính phủ để giúp lực lượng kiểm ngư an tâm công tác và giúp duy trì lực lượng hiện có, tạo điều kiện để đảm bảo hình thành tổ chức kiểm ngư theo Điều 89 Luật Thủy sản và thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tin, ảnh: Hồng Yến