Kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2

26/03/2023 - 13:30

BDK.VN - Ngày 21-3-2023, Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận (đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm đại diện chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2) có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang - Bến Tre.

Tổng mức đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng do chi phí bồi thường GPMB điều chỉnh tăng theo số liệu do địa phương cập nhật.

Tổng mức đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng do chi phí bồi thường GPMB điều chỉnh tăng theo số liệu do địa phương cập nhật.

Theo đó, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, cụ thể, tăng tổng mức đầu tư dự án thêm 1.609 tỷ đồng và kéo dài thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026. Tổng mức đầu tư dự án từ 5.175 tỷ đồng tăng lên 6.785 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 - 2025 điều chỉnh thành 2021 - 2026.

Về lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay, các gói thầu đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đấu thầu và triển khai thi công ngoài thực địa. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan như: Thời gian thực hiện chủ trương đầu tư vào khoảng năm 2020, thời gian bắt đầu triển khai thực hiện công tác đo đạc vào tháng 1-2022 và thời điểm tiến hành công tác kiểm đếm kéo dài từ tháng 2-2022 đến tháng 11-2022 và công tác thẩm định giá từ tháng 2-2023 đến tháng 7-2022, phê duyệt giá đất và áp giá bồi thường đợt cuối vào tháng 8-2022.

Qua thời gian đó, đã có nhiều thay đổi về điều kiện tự nhiên xã hội, tốc độ phát triển đô thị và giao thông, nhất là sự biến động về khối lượng tài sản trên đất và giá trị chuyển nhượng đất đai thực tế trên thị trường sau khi dự án tiền khả thi cầu Rạch Miễu 2 được phê duyệt làm thay đổi chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án cập nhật đến thời điểm hiện nay tăng so với dự án và chủ trương đầu tư được duyệt; ngoài ra thời gian thực hiện dự án thay đổi cho phù hợp thực tế triển khai.

Nguyên nhân tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang - Bến Tre tăng chủ yếu do chi phí bồi thường GPMB điều chỉnh tăng theo số liệu do địa phương cập nhật tại thời điểm hiện tại. Giá trị tổng mức đầu tư tăng khoảng 1.609,71 tỷ đồng.

Cụ thể, chi phí GPMB tăng khoảng 2.187 tỷ đồng so với khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1088/TTg-CN ngày 20-8-2021, trong đó, tỉnh Tiền Giang tăng 1.702 tỷ đồng, tỉnh Bến Tre tăng 484 tỷ đồng.

Các chi tiết tăng được Ban QLDA Mỹ Thuận nêu rõ: Do thay đổi về khối lượng đất đai phía Tiền Giang diện tích GPMB tăng 2,2ha (chiếm 8%), Bến Tre tăng 0,85ha (chiếm 2%). Về số hộ tái định cư, phía Tiền Giang tăng 26 hộ (chiếm 8,7%), Bến Tre tăng 11 hộ (chiếm 14,2 %) so với khung chính sách, do biến động về chuyển đổi, sang nhượng, tách hộ và bổ sung chi phí khu tái định cư. Riêng địa bàn tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đưa vào toàn bộ kinh phí bồi thường GPMB và xây dựng hạ tầng khu tái định cư là 262 tỷ đồng (tăng so khung chính sách chỉ tính phần hỗ trợ) trong khi tỉnh Bến Tre tự thu xếp nguồn kinh phí này.

Thay đổi về đơn giá bồi thường cụ thể: Tăng đơn giá bồi thường về đất, thời điểm lập dự án áp dụng theo Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 21-12-2020 của UBND tỉnh Tiền Giang và Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 6-5-2020 của UBND tỉnh Bến Tre. Quá trình thực hiện thuê tư vấn khảo sát lập đơn giá đất để tính bồi thường, giá đất của hai tỉnh có sự biến động mạnh, cụ thể giá đất bồi thường tỉnh Tiền Giang tăng từ 8 triệu đồng/m2 đến 26,1 triệu đồng/m2 tuỳ loại đất; giá đất tỉnh Bến Tre có đơn giá và hệ số tăng gấp 6-20 lần.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến của giá đất nêu trên, tỉnh Tiền Giang cho biết, cùng với việc tỉnh đầu tư các dự án lớn như Quảng trường Trung tâm tỉnh, hay một số tuyến đường giao thông huyết mạch, nhu cầu mua đất nền để ở của người dân, nhất là những hộ mới chuyển về TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) định cư cũng đã tăng lên trong khi quỹ đất để cung ứng cho các khu vực đông dân như TP. Mỹ Tho dần trở nên khan hiếm hơn.

Do hiệu ứng từ các dự án giao thông, hạ tầng đầu tư lớn đang triển khai trên địa bàn dẫn đến có hiện tượng “sốt đất” cục bộ trong thời gian này. Đồng thời, hiện trạng vị trí các thửa đất thu hồi, diện tích và loại đất (nhất là thổ cư) có thay đổi; nhiều thửa đất có vị trí trước đây không tiếp giáp với đường giao thông nhưng hiện nay có tiếp giáp đường giao thông do quá trình phát triển, thực hiện xây dựng nông thôn mới dẫn đến thay đổi về đơn giá áp dụng.

Việc tăng tổng mức đầu tư còn thêm một số lý do khác như: Qua kiểm đếm thực tế có thay đổi, tăng về khối lượng, loại kết cấu nhà ở, vật kiến trúc; tăng về khối lượng, mật độ, loại cây trồng; hỗ trợ tự tái định cư, xây dựng tái định cư; chi phí di dời hạ tầng...

Bên cạnh đó, có điều chỉnh giảm 577,5 tỷ đồng ở một số chi phí khác, gồm: Chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí dự phòng.

Về lý do điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là Dự án có nhiều hạng mục kỹ thuật cao và phức tạp, hoàn toàn do các lực lượng trong nước đảm nhận, quá trình thi công đòi hỏi có thời gian triển khai thử nghiệm, thử tải… và có thể phát sinh thời gian do xử lý kỹ thuật với mục tiêu đảm bảo an toàn và chất lượng cho công trình khi đưa vào khai thác.

Hiện nay, gói thầu XL-02 đã ký kết hợp đồng với tổng thời gian thực hiện dự án là 1.020 ngày (tương đương 34 tháng) kể từ ngày phát lệnh khởi công gói thầu, thời gian hoàn thành dự kiến quý I-2026 (chưa bao gồm thời gian bảo hành), do đó để hoàn thành dự án theo tiến độ (34 tháng) cần điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026.

Ngoài ra, công tác GPMB phía Tiền Giang hiện nay đạt khoảng 46%, phía Bến Tre đạt 83%, một số vị trí nền đường xử lý đất yếu có thời gian gia tải lên đến 15 tháng là điểm khống chế tiến độ tiến độ thi công các gói thầu đường dẫn vào cầu, tuy nhiên do nguồn vốn thực hiện GPMB phía Tiền Giang vượt tổng chi phí GPMB trong tổng mức đầu tư nên vướng mắc các thủ tục để có cơ sở bố trí vốn bổ sung chi trả cho công tác bồi thường GPMB dẫn đến công tác bàn giao mặt bằng dự kiến kéo dài sang quý IV-2023 sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các gói đường dẫn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trên cơ sở các yếu tố về kỹ thuật và công tác GPMB nêu trên, Ban QLDA Mỹ Thuận cho rằng, để đảm bảo tiến độ thực hiện các hợp đồng, cũng như chất lượng công trình, cần thiết phải điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN