Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU

17/06/2024 - 18:40

BDK.VN - Chiều 17-6-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia về IUU.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Tại điểm cầu tỉnh, Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì. Các Phó trưởng BCĐ 689 tỉnh, các thành viên BCĐ 689 tỉnh, thành viên Tổ giúp việc BCĐ 689 tỉnh tham dự.

Sau gần 7 năm (từ ngày 23-10-2017) thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) và qua 4 đợt thanh tra của EC (lần thứ 4 vào tháng 10-2023), đến nay tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như: Khung pháp lý đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã đạt được một số kết quả. Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay đã được triển khai thực hiện chặt chẽ hơn. Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường hơn trước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng hơn so với trước. Đến nay, vẫn chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá và tại cảng vẫn chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định. Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của sản phẩm thủy sản khai thác. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, thống nhất và chưa đồng đều giữa các địa phương.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Các nước trong khu vực như: Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a… sẽ tiếp tục tăng cường các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định để khẳng định chủ quyền; bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam khi vi phạm vùng biển của họ. Trong bối cảnh cạnh trạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, gây sức ép với EC không gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho Việt Nam, thậm chí một số nước còn đề nghị nâng lên cảnh báo “Thẻ đỏ”. 

Bên cạnh đó, vì lợi ích kinh tế cá nhân, một bộ phận ngư dân, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ tiếp tục thực hiện các thủ đoạn tinh vi, ngắt kết nối VMS, gửi, vận chuyển thiết bị VMS….; môi giới, móc nối để đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để thu lợi bất chính.

Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU, nhất là hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển nếu không có sự tiến bộ, với những số liệu chứng minh cụ thể với phía EC; đặc biệt là để tàu cá, ngư dân tiếp tục vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài sẽ rất khó thuyết phục để phía EC gỡ cảnh báo “Thẻ vàng’ cho Việt Nam tại đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 10-2024).

Đại biểu tham dự hội nghị thống nhất cần tăng cường chế tài, xử phạt, mang tính răn đe đối với trường hợp vi phạm. Toà án nhân dân tối cao đã triển khai Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12-6-2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2024.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng BCĐ Quốc gia về IUU chỉ đạo các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến tháng 9-2024 như: Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan, đảm bảo đúng tiến độ; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12-6-2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tập trung cao điểm nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa phương (Biên phòng, Công an, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn)...) thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp vừa tuyên truyền vận động, vừa theo dõi, kiểm soát ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Theo dõi giám sát chặt chẽ tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản; giám sát sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương, xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản và kiên quyết xử lý nghiêm, không có trường hợp ngoại lệ các hành vi khai thác IUU.

“Cần xem gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC là vị thế, hình ảnh của quốc gia. Bí thư Tỉnh uỷ và lãnh đạo 28 địa phương vào cuộc xử lý đồng bộ, mạnh mẽ tạo tiếng nói chung; phát động đợt cao điểm trong xử phạt các hành vi khai thác IUU. Tuyên truyền tác động Nghị quyết 04. Các bộ, ngành địa phương tập trung nguồn lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC. Khuyến khích từng tỉnh có chính sách riêng, phù hợp thực tế”, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng BCĐ Quốc gia về IUU nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc họp của Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã họp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương những phần việc cần thực hiện trong thời gian tới. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cần rà soát những nội dung mà trước đây còn vướng để thống nhất thực hiện liên quan đến tài sản cưỡng chế thấp hơn mức xử phạt, không có tài sản hoặc có tài sản thuộc diện không được cưỡng chế. Tiếp tục kiểm soát tàu cá nếu không đủ điều kiện thì không cho ra khơi đánh bắt. Phối hợp với biên phòng các tỉnh trong lập, củng cố hồ sơ xử lý tàu cá vi phạm. Cần thống nhất số liệu trong báo cáo. Sở Tư pháp phối hợp với Công an cụ thể hoá Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12-6-2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để sớm tuyên truyền đến ngư dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị, bám sát ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 04. Tiếp tục phát huy các tổ công tác, cán bộ phụ trách từng chủ tàu có nguy cơ vi phạm để tuyên truyền, vận động. Xử lý tàu “3 không” đến tháng 10-2024 phải xong (theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháng 9-2024 sẽ xong). Chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục sẵn sàng phục vụ cho đoàn kiểm tra Trung ương hoặc EC vào tỉnh kiểm tra.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị, chuẩn bị tốt các nội dung cho hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với ngư dân sắp tới. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành liên quan đến chế độ chính sách hỗ trợ ngư dân. Nếu có bất cập thì sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện ngư dân đánh bắt trên biển không vi phạm pháp luật; trường hợp ngư dân không đủ điều kiện tham gia đánh bắt thì chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống.

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN