Kiêu hùng Nhà giàn DK1

11/02/2015 - 07:26
Những anh “nội trợ khéo léo” đang gói bánh chưng đón Tết.

  • Bài cuối: Nơi đó có các anh

Tàu chúc Tết tới Nhà giàn DK1 thuộc cụm Ba Kè, sóng vẫn khá cao, khoảng 2m. Thượng tá Đinh Văn Dũng - Phó trưởng đoàn hạ lệnh thả xuồng qua chúc Tết bộ đội Nhà giàn DK1/9. Các thành viên trong đoàn cùng hoan hô sau khi Thượng tá Dũng dứt lời.

Bài 2: Chúc Tết qua loa, trao quà qua phao

Bài 1: Phút tưởng niệm giữa trùng khơi

Vượt qua trở ngại của biển cả

Xuồng nhỏ, sóng còn khá cao nên số người sang nhà giàn phải hạn chế. Phóng viên và thủy thủ được gọi tên mới xuống xuồng qua chúc Tết. Trong khi đó, nhiều phóng viên dù bị say sóng vẫn cố gắng ngồi dậy ra ban công tàu với hy vọng được cho lên nhà giàn.

“Việc đi lại giữa lúc sóng vẫn khá cao có thể xảy ra sự cố đấy. Tôi biết phần nhiều phóng viên do chưa quen nên bị say sóng, sức khỏe giảm sút. Đề nghị các bạn trước hết hãy tự bảo trọng, còn nhiều nhà giàn khác nữa và chúng ta sẽ được lên trong những ngày sau” - Đại tá Ngô Mạnh Trường - Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên.

Thuyền nhỏ thả xuống nhìn tựa như chiếc lá trôi giữa đại dương và bị sóng đánh lắc lư. Chớp thời cơ ngọn sóng đẩy xuồng lên gần thành tàu, Đại úy Trần Ngọc Anh - Thủy thủ trưởng tàu Hải quân 609, từ tàu lớn phóng xuống và đã trụ được ở xuồng nhỏ, rồi nổ máy. Hàng trăm đôi mắt trên những khuôn mặt tái mét đang dán vào người anh một cách đầy thán phục. Đại úy Anh cười và nói to: “Bắt thang xuống qua nhà giàn thôi”. Theo sự điều khiển của Đại úy Anh, chiếc xuồng nhỏ bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn. Hai thủy thủ khác liền nhảy xuống.

“Chỉ cần một thao tác sai là hậu quả khó lường đấy. Các phóng viên phải hết sức chú ý làm theo những gì chúng tôi dặn dò. Nên nhớ phải hết sức cẩn thận, quả quyết chớp thời cơ nhé. Các thủy thủ không được chủ quan. Nhớ lấy!” - Thượng tá Đinh Văn Dũng nói.

Chiếc thang di động bằng sắt được bắt đứng ở mạn tàu. Chiếc xuồng nhỏ nhô lên rồi rút xuống. Các phóng viên được đi bước xuống xuồng nhỏ rất khó khăn. Trải qua giây phút nguy hiểm, chúng tôi cũng được ngồi vào lòng chiếc xuồng, cưỡi sóng hướng về nhà giàn. Chúng tôi khâm phục sự gan dạ, dũng cảm của Hải quân và ước rằng mình được hùng mạnh như họ trên biển cả… ít nhất cũng không phải “thót tim” như lúc xuống xuồng.

Sóng cao nên xuồng không thể cặp vào cầu thang cố định để lên nhà giàn. Nhanh trí, các chiến sĩ trên nhà giàn buộc thêm cây ngang kiểu xích đu vào sợi dây chuyên kéo dầu và lần lượt kéo chúng tôi lên. Lên nhà giàn, ai cũng xót xa, bởi nhiều bàn tay chai sần của các chiến sĩ đã rướm máu do sợi dây thừng để lại. Nhưng điều này chỉ được phát hiện lúc hai bên tay bắt mặt mừng, chứ các anh không hề có ý cho đoàn biết.

Đón Xuân sớm: “thiếu vẫn thừa”

“Các đồng chí, phóng viên đến nghĩa là Xuân đã về! Mà Xuân về thì sá gì những chuyện nhỏ nhặt này cơ chứ!” - Thiếu tá Bùi Xuân Bồng - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9 - người bám “những pháo đài” này kể từ khi Tiểu đoàn DK1 thành lập (1989) - phấn khởi nói.

Mặt trời đỏ rực từ từ như chìm xuống biển. Chúng tôi quây quần bên nhau, người nào việc nấy, cùng nhau tổ chức theo nghi thức của một đêm giao thừa. Dưới ánh sáng từ ngọn hải đăng, những bàn tay thô kệch, chai sần với cơ bắp cuồn cuộn đã “nhào nặn” ra những cái bánh chưng, bánh dày rất khéo. “Dù cái đêm cuối năm thật sự chưa đến nhưng ở nơi này, ngày nào cũng quây quần chừng ấy đồng chí thôi. Các đồng chí biết không, khi tàu chở đoàn còn ở phía xa nhưng lòng các chiến sĩ ở đây cảm giác như sự cô đơn không còn nữa, thay vào đó là sự phấn khởi tột cùng” -  đồng chí Lê Văn Chuyên - Chính trị viên Nhà giàn DK1/9 tâm tình. 

Sau khi biết về cuộc “thập tử nhất sinh” của Thiếu tá Bồng qua thông tin của Trung tá Nghiêm Xuân Thái - Tiểu đoàn trưởng DK1 về tai nạn đổ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần năm 1990, Thiếu tá Bồng là 1 trong 6 người còn sống sót sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, giao thừa hôm ấy, các phóng viên chúng tôi đề nghị các anh trên nhà giàn kể cho nghe về tâm sự đời lính biển.

“Lần tai nạn đó, 3 đồng chí của tôi đã mãi mãi ở lại với lòng đại dương. Tôi cảm giác như họ vẫn ở bên tôi và tôi không rời họ được. Cuộc sống trên nhà giàn hiện nay đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Khi có điện, tôi nhớ đến những đêm trời tối đen như mực, bởi đèn dầu không thắp được lúc gió lùa qua. Khi trồng được rau, tôi lại nhớ những ngày dài phải ăn nhín nhúc từng cọng rau muống khô. Khi các nhà giàn mới kiên cố và chắn chắn được xây dựng xong, tôi lại nhớ khi ngủ phải gác áo phao đầu nằm, trong túi quần thủ sẵn vài túi lương khô phòng khi bất trắc nếu gió giật, biển động cỡ cấp 3, cấp 4. Vẫn không nghe bất cứ lời than vãn nào, anh em động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ giữ biển quê hương… Tôi nhớ các anh vô hạn. Đại dương dù dữ dội đến mấy, tàn khốc đến mấy… tôi vẫn nguyện đương đầu, vì máu của đồng chí, đồng đội tôi đã đổ xuống, vì sự nghiệp giữ gìn chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta vẫn còn đó! Nghĩa là tôi vẫn chưa về” - Thiếu tá Bồng bộc bạch.

Thủy triều dâng lên. Gió lùa ào ào qua buốt lạnh. Sóng đánh vào chân nhà giàn tung nước trắng xóa. Không ai nói gì, chỉ nhìn nhau khóe mắt rưng rưng… Trong tôi bỗng dâng lên cảm xúc tự hào về biển, đảo quê hương, về những cán bộ, chiến sĩ quả cảm nơi đầu sóng ngọn gió!

Bài, ảnh: Nguyễn Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN