Kinh nghiệm xây dựng giao thông nông thôn: Cần khẩn trương và mạnh dạn

19/09/2018 - 07:54

BDK - Đề án số 3333 của UBND tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2018 - 2020 ra đời, phát huy phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo điều kiện cho nhiều xã phấn đấu. Chúng tôi đã gặp gỡ Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trịnh Văn Y - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường để nghe ông chia sẻ kinh nghiệm xây dựng GTNT hiệu quả.

Nhịp độ xây dựng giao thông nông thôn cần khẩn trương để kịp hoàn thành tiêu chí giao thông ở tỉnh vào năm 2020.

Nhịp độ xây dựng giao thông nông thôn cần khẩn trương để kịp hoàn thành tiêu chí giao thông ở tỉnh vào năm 2020.

Khẩn trương vào cuộc

Năm 2001, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường ra đời hoạt động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, quy tụ nhiều anh em cán bộ kỹ thuật của ngành giao thông vận tải và các ngành khác, làm tư vấn góp phần giúp tỉnh nhà phát triển giao thông. Gắn với phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng GTNT của tỉnh, đến nay có những xã có đến 200 cây cầu. Do người dân nghèo và sự phấn đấu của họ chỉ có mức độ, nên hội đã chung sức chạy lo tiền nong để xây cầu, lộ. Từ năm 2003, sáng kiến của hội đưa ra chương trình vận động hỗ trợ GTNT, chương trình này có sự lãnh đạo, quản lý phối hợp với chính quyền các cấp, đoàn thể thực hiện. Cái chính là vận động hỗ trợ, làm lộ - cầu thiếu vốn, nên hội đi gõ cửa mạnh thường quân để được hỗ trợ, nhanh có cầu, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. dân tuy nghèo nhưng vẫn đóng vai chính trong quá trình xây dựng cầu - lộ ở quê mình.

Nhờ đó, đến nay tỉnh đã xóa hàng ngàn cầu khỉ, hàng trăm bến đò ngang sông. chương trình vận động hỗ trợ GTNT góp phần với tỉnh trong từng giai đoạn khôi phục, phát triển GTNT: giai đoạn 1 xóa cầu khỉ, cầu tạm, bến đò ngang; giai đoạn 2: khôi phục và phát triển cầu lộ nông thôn theo kế hoạch quy hoạch của từng địa phương. Hiện nay, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường đang hướng đến xây dựng cầu có tải trọng 7 - 10 tấn để phục vụ người dân sản xuất tốt, có cuộc sống thoải mái.

Đề án số 3333 ra đời phát huy phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng đề án chỉ có hai năm thực hiện, mang tính khẩn trương, để tạo điều kiện cho nhiều xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Trịnh Văn Y - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cho biết: “Từ những năm tháng sát dân, gần dân, hội có nhiều kinh nghiệm vận động nhân dân xây dựng GTNT. chúng tôi cũng đang hướng dẫn, đóng góp kinh nghiệm để thực hiện Đề án số 3333 thông qua một số cuộc họp với các địa phương hay những lần gặp gỡ người dân”.

Mạnh dạn uốn đường

Kinh nghiệm trước tiên là làm cầu, đường phải có dự án, có dự án mới vận động được trong dân. Phải cụ thể công trình nào trước, sau. Dự án chính là hồ sơ kinh tế kỹ thuật dự toán, hồ sơ này làm rõ ra, lộ A dài bao nhiêu, mặt rộng, chiều cao, nới rộng nền hạ bao nhiêu mét, hiện trạng cũ như thế nào, để đảm bảo nền tốt, xuyên ngang qua đất đai bao nhiêu hộ, cần đốn bao nhiêu cây trái hoa màu? Tổng kinh phí hạ tầng là bao nhiêu tiền, từng hộ phải đóng góp cái gì. Đụng chạm đến bao nhiêu đất, hoa màu hộ dân phải hy sinh. Thậm chí phải di dời nhà. Tóm lại, muốn xây dựng các công trình GTNT tốt, mỗi địa phương chọn loại lộ A, B, C thì phải có dự án cụ thể, trên cơ sở đó cho dân biết, dân hiểu, dân thảo luận, đóng góp xây dựng và dân kiểm tra.

Người dân xã Sơn Đông, TP. Bến Tre tích cực hưởng ứng xây dựng GTNT.

Người dân xã Sơn Đông, TP. Bến Tre tích cực hưởng ứng xây dựng GTNT.

Trong xây dựng dự án, giữa lộ cũ và xây lộ mới, có khi đường dài hơn, có khi ngắn hơn. Làm dự án phải đi khảo sát, chỗ nào cong phải uốn lại cho thẳng, giảm bớt số km đầu tư. Nhiều con lộ cập kênh, bờ sông cứ xói lở hoài, làm dự án phải mạnh dạn di dời những con lộ này vô trong tránh xói lở. Khảo sát đến cả những cây cầu, lỗ mọi, cống xiên ngang qua có trên tuyến phải thể hiện rõ trên dự án.

Bước kế đến là xem cầu nào không cần thiết nữa có thể lấp, chúng ta động viên dân lấp luôn cho nhẹ tiền, chỗ nào cần nước sinh hoạt thì làm cống, giảm bớt cầu nhỏ trên tuyến lộ, vừa giảm chi phí mà tải trọng lại đảm bảo.

“Tùy theo nền đất mà xử lý nền hạ tốn kém khác nhau. nhiều xã ở huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Bình Đại địa chất yếu, những con lộ ở vùng này thường rất tốn kém chi phí xử lý nền hạ” - ông Trịnh Văn Y chia sẻ. Bên cạnh đó, ở nông thôn, người lao động trẻ giờ không còn nhiều, chỉ còn lại người lớn tuổi là nhiều, nếu không đóng góp công sức, những người lớn tuổi có thể vận động con cháu góp tiền thay cho công lao động.

Vài tuần trở lại đây, nhịp độ làm việc của anh em tư vấn thiết kế ở Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tăng lên nhiều lần do Đề án số 3333 ra đời thôi thúc tiến độ thực hiện các dự án GTNT trên địa bàn tỉnh. Định mức chi trả cho công tác tư vấn thiết kế theo quy định là rất thấp nên nhiều địa phương khó thuê tư vấn thiết kế bên ngoài mà phải nhờ đến hội - nơi chủ yếu tư vấn thiết kế dự án miễn phí trong nhiều năm qua cho các công trình GTNT trên địa bàn tỉnh.

“Tốc độ điều hành, quản lý của các địa phương cần khẩn trương lên, chúng ta không còn gì để chần chừ mà phải bắt tay vào làm dự án ngay để có cơ sở vận động bà con thực hiện xây dựng GTNT” - ông Trịnh Văn Y nói.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN