Kinh tế tập thể qua 15 năm xây dựng và phát triển

06/07/2020 - 07:05

BDK - Những năm gần đây, kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Các HTX trên địa bàn tỉnh từng bước hoạt động có hiệu quả, chú trọng thực hiện việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Các hợp tác xã giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh: C.Trúc

Các hợp tác xã giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh: C.Trúc

Tích cực hỗ trợ

Toàn tỉnh hiện có 1.384 tổ hợp tác (THT) (tăng 984 THT so với năm 2011), trong đó, 998 THT hoạt động theo Nghị định số 151, với 25.881 thành viên, doanh thu bình quân khoảng 474 triệu đồng; lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/THT.

Đối với HTX, toàn tỉnh hiện có 159 HTX (tăng 56 HTX so với năm 2011), với khoảng 42.192 thành viên); tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 3.281 người. Tổng vốn điều lệ ước đạt 286,7 tỷ đồng, tăng 67,3 tỷ đồng so với năm 2011. Doanh thu bình quân của HTX khoảng 2,1 tỷ đồng/HTX, tăng 0,51 tỷ đồng so với năm 2011; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động 60 triệu đồng/người/năm, tăng 48 triệu đồng so với năm 2011. Tổng số cán bộ quản lý HTX ước khoảng 627 người, trong đó, số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 126 người, chiếm tỷ lệ 20%.

Đạt kết quả như trên phải kể đến sự tập trung đổi mới về chính sách hỗ trợ. Trong giai đoạn 2011 - 2012 các HTX chỉ được hỗ trợ tư vấn đào tạo, hỗ trợ thành lập mới. Giai đoạn từ 2013 - 2020 sau khi có Luật HTX năm 2012, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ và phát triển kinh tế tập thể (KTTT), như: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho hơn 6.770 lượt cán bộ quản lý HTX, với tổng kinh phí hơn 5,368 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX; chính sách ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, chủ yếu kiến thức về năng lực quản lý HTX, quản trị tài chính, thuế, nhân sự, xúc tiến thương mại...

Ngoài ra, để hỗ trợ tạo điều kiện về vốn đối với HTX, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, với tổng nguồn vốn ban đầu là 5 tỷ đồng, Liên minh HTX Việt Nam phân bổ chỉ tiêu vốn cho vay, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương cho các HTX trên địa bàn tỉnh vay, với số tiền là 5 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn, một số HTX đã được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa… Đặc biệt, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND đã nâng mức hỗ trợ thành lập mới lên 20 triệu đồng/HTX (đã hỗ trợ thành lập mới cho 117 HTX, tổng kinh phí 787,44 triệu đồng).

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà xưởng theo chủ trương đầu tư cho 6 HTX của các huyện: Chợ Lách, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Ba Tri với tổng kinh phí được hỗ trợ là 3,86 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Chính sách ưu đãi về tín dụng, trên cơ sở phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Agribank Chi nhánh tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp (HTX) với tổng kinh phí là 9,2 tỷ đồng cho 3.567 hộ của 781 lượt THT, HTX…

Hợp tác xã nông nghiệp xã Thới Lai, huyện Bình Đại. Ảnh: P. Tuyết

Hợp tác xã nông nghiệp xã Thới Lai, huyện Bình Đại. Ảnh: P. Tuyết

Chiến lược phát triển đến năm 2030

Mục tiêu chiến lược trong thời gian tới là đổi mới toàn diện về nội dung, hình thức hợp tác, liên kết phù hợp từng vùng, lĩnh vực. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT; phát huy vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX, MTTQ và các đoàn thể. Quan tâm củng cố và xây dựng các THT, HTX hoạt động có hiệu quả, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân thông qua THT, HTX, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với doanh nghiệp nhằm đảm bảo cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra ổn định…

Tập trung một số chỉ tiêu cụ thể là tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng 200 THT; 50 HTX trên các lĩnh vực và 4 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tỷ lệ HTX đạt loại khá, tốt đạt trên 90%. Nâng cao năng lực cho 100% cán bộ HTX về kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn. Đảm bảo ở tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới có các mô hình KTTT, HTX, 100% đạt khá trở lên.

Thực trạng phát triển KTTT, HTX trong thời gian qua ở tỉnh đã đáp ứng một phần nhu cầu bức xúc của kinh tế hộ trong khuôn khổ tham gia HTX. Trong tất cả các loại hình HTX đang hoạt động đều có những mặt được, mặt chưa được, có nhiều mô hình hoạt động không hiệu quả, phải giải thể hoặc còn tồn tại danh nghĩa nhưng không vì thế mà nhu cầu hợp tác dừng lại. Trái lại, phong trào hợp tác trong nông thôn trên một số lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp - thủy sản có chiều hướng phát triển mạnh, nhất là khi Đảng và Nhà nước có chủ trương khuyến khích phát triển.

Kinh tế hộ phát triển mạnh đã nảy sinh nhu cầu dịch vụ phục vụ đầu vào, đầu ra. Lực lượng sản xuất phát triển đòi hỏi phải có quan hệ sản xuất phù hợp. Vì vậy, KTHT, HTX tiếp tục phát triển là nhu cầu khách quan phù hợp quy luật.

Thục Đoan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích