Làm giàu trên vùng đất “dữ”…

19/06/2009 - 09:33
Rẫy dưa hấu F1 của anh Nguyễn Văn Pha.

Đây là những gương nông dân tiêu biểu của ba xã Châu Hòa, Châu Bình (Giồng Trôm) và Tân Mỹ (Ba Tri). Trong đó, có hai lão nông từng gắn bó gần như cả đời mình  với vùng đất này-vùng đất của phèn, mặn. Một chàng trai trẻ, từ một vùng quê khác đến để thuê đất lập thân, lập nghiệp…Cơ ngơi của họ giờ không phải tính đến là tiền bạc, mà đó là sự trung thành với vùng đất, là người đi tiên phong “dám nghĩ, dám làm”, buộc vùng đất “dữ” phải lên tiếng. Hơn thế, từ họ mà phong trào chuyển đổi cây, con giống phát triển mạnh ở vùng này.

Bác Ngô Văn Phận, 69 tuổi, ở ấp Thới An, xã Châu Hòa (Giồng Trôm) nhắc nhớ lại hồi mấy chục năm về trước như thể việc có nước ngọt từ Ba Lai là điều ít ai nghĩ tới. Rằng, hồi trước, vào mùa khô, dừa nước cặp theo dòng Ba Lai còn phải chết cháy huống hồ các loại cây khác. Phía trong đây, tụi tui đắp đê rất cao, làm ruộng chỉ một vụ, năng suất cũng 4-5 giạ/công là trúng lắm rồi. Mà nói vậy, chứ cho dù có đê, mùa lũ nước tràn vào là coi như bỏ cả mùa lúa. Sau đó thì Nhà nước làm con đê Quốc phòng, bà con mừng lắm! Tuy nước chưa phải ngọt hẳn, nhưng cũng ngăn được mặn.  Tôi bắt đầu chuyển sang trồng dừa và mía, gần cả chục năm, dừa chỉ có tàu kéo về làm củi. Tới khi nó cho trái thì quày có, quày không. Trái nhỏ lắm! Có một thời người ta bảo dừa ở đây chỉ để dành “chọi khỉ”. Mía thì trúng lắm cũng 4-5 tấn/công, thu hoạch không kịp, sang tháng 2, tháng 3 là khô hết. Riêng phía ngoài đê, tiếp giáp với Ba Lai, không thể trồng được cây gì cả, hàng chục năm liền tôi bỏ hoang. Đánh vật với cuộc sống khắc nghiệt là thế nhưng bác rất yêu vùng đất này. Từ vài công đất của ông bà để lại, đến bây giờ, bác có đến hơn ba mẫu vườn dừa trĩu quả. Bác Phận tâm sự, thời chiến, máy bay địch, trong năm đốt nhà tui ba lần, nhưng tui vẫn bám đất. Đất trước đây rẻ lắm, một công chưa được chỉ vàng, nhưng giờ 3-4 chục triệu đồng. Nói đến vườn dừa trĩu quả, bác cười, rồi bảo, hơn chục năm về trước, toàn bộ khu này chưa ai dám lên bờ trồng dừa, chỉ có tôi. Đặt dừa trên vùng đất mặn, ai cũng bảo tôi khùng?! Từ cách nghĩ, cách làm, với biết bao giọt mồ hôi và công sức, đất đã đem lại cho bác Phận những điều mơ ước. Bác cười thật tươi như màu xanh của cây và trái.

Tôi tìm về Châu Bình gặp một lão nông khác là bác Bùi Văn Nghiệp, 74 tuổi, (ấp 2). Anh em trong xã giới thiệu, ở ngoài đó (tiếp giáp Ba Lai), chỉ có bác là người bám đất “từ hồi nào tới  giờ”ụ và là người đi đầu tiên đặt dừa trên vùng đất mặn. Hiện nay, bác Nghiệp có gần một mẫu đất vườn dừa đang trĩu quả. Về phần đất tiếp giáp với sông Ba Lai, bác Nghiệp cho biết, hơn chục năm về trước “không ai dám trồng cây gì cả”, tôi có hơn hai công cũng đành bỏ hoang, cỏ mọc. Bây giờ thì khác, có nước ngọt, phần tiếp giáp với Ba Lai “trồng gì, trúng đó”. Trước đây bà con làm mía, nhưng giờ phần lớn đều lên vườn trồng dừa. Riêng dừa của tôi, đến nay đã hơn 5 năm tuổi, trái to và sai dữ lắm! Nhưng để “ngon” hơn, theo bác Nghiệp, cần phải cải tạo, khai thông lại con kênh xáng, vàm Châu Bình, vì hiện tại, nước ngọt chưa thông, vào mùa khô, phèn hực lên, nước vàng quánh, làm cho dừa bị treo trái. Đồng thời, để bà con tận dụng giao thông thủy vận chuyển làm tăng giá cả hàng hóa.

Trong ba người nông dân tôi gặp, anh là người trẻ nhất, có lẽ vì trẻ tuổi nên anh rất mạnh dạn và quyết đoán trong việc làm ăn của mình. Từ vùng quê khác, anh đến Tân Mỹ (Ba Tri) lập thân lập nghiệp. Gặp anh ngay tại cánh đồng dưa hấu đang mùa cho trái, mọi người ở đây quen gọi anh là “Sáu Gừng”. Nhưng anh tên thật là Nguyễn Văn Pha - sinh năm 1966, ở Tân Hưng (Ba Tri). Anh kể, những ngày đầu khi tôi đến, chưa ai dám trồng màu trên vùng đất này hết. Hai vợ chồng thuê bốn công đất mía, cải tạo lại trồng màu. Bấy giờ, nước dưới dòng kênh này còn vàng quánh. Vụ đầu tiên, tôi xuống giống toàn dưa leo, cây phát triển tốt nhưng bị vàng đọt, ảnh hưởng đến năng suất. Vụ thứ hai, thứ ba, trồng bầu, bí, khổ qua, gừng…có khá hơn nhiều nhưng cây còn chết nhát, chạy đọt. Khi cống đập Ba Lai hoàn thành và đi vào hoạt động, tôi biết chắc vùng đất này sẽ là vùng “đất hứa” của hoa màu.

Hiện tại, anh Pha có hơn bốn công đất trồng chuyên canh gừng, hơn hai mẫu trồng dưa hấu lai F1 (trồng dưa hấu lấy hạt). Vụ vừa qua, anh thu hoạch đợt dưa hấu đầu tiên được 80kg hạt, với giá bán 800 ngàn đồng/kg, thu về hơn 60 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, anh có lãi hơn 30 triệu đồng. Vụ dưa hấu hiện tại đang phát triển khá tốt,  hứa hẹn cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Nói về cái tên mà người dân đặt cho anh là “Sáu Gừng”, anh chỉ mỉm cười “thì tôi trồng gừng đầu tiên ở vùng đất này và trồng nhiều nhất hiện nay”. Vợ anh Pha cho biết, giá gừng thấp nhất 5.000 đồng/kg. Một công đất gừng trúng thu hoạch từ 3-3,5 tấn, thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng. Tạm biệt gia đình anh Pha, chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều hộ làm giàu trên vùng đất “dữ”.

Bài, ảnh: T.Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN