Làm giàu từ trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP

19/01/2018 - 07:40

Ông Huỳnh Văn Quận bên vườn bưởi.

Đó là khẳng định của ông Huỳnh Văn Quận ở ấp Long Hội, xã Giao Long, huyện Châu Thành. Ông là một trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh vừa được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương “Nông dân Bến Tre xuất sắc năm 2017” với sản phẩm bưởi da xanh. Không chỉ trồng bưởi da xanh đơn thuần mà ông là một trong nhiều nông dân trồng bưởi trong tỉnh không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên mỗi diện tích đất.

“Nhà bưởi”

Ngôi nhà khá khang trang của ông Huỳnh Văn Quận được cất theo kiểu biệt thự vườn, nằm sâu trong vườn bưởi xanh um. Như hiểu được ý tôi, ông Quận cười cho rằng huyện biển Bình Đại trước đây có nhiều “nhà tôm” thì bà con miệt vườn mình bây giờ “nhà bưởi” cũng khá nhiều. Mà không phải “nhà bưởi” sao được, nếu như không có bưởi giá tới trên 50 ngàn đồng/kg ổn định nhiều năm qua thì gia đình ông cũng khó có tiền cất nhà như bây giờ. Nói rồi, ông Quận dẫn chúng tôi ra mấy miếng vườn đang trồng bưởi, miếng này cách miếng kia vài trăm mét chứ không có diện tích liền kề nhau. Ông Quận phân trần: “Làm gì có chuyện nông dân có liền kề một lúc tới 3ha đất, phải sang lại của nhiều chủ vườn khác nhau nhưng cũng đành chịu. Tuy khâu chăm sóc, quản lý khá vất vả vì mỗi nơi vài ba công nhưng nhờ an ninh trật tự địa phương ổn định nên không phải lo nhiều. Bà con kế bên cùng giữ dùm mình”.

Ông dẫn chúng tôi ra miếng đất khoảng chừng 3 công, do mới hái trái bán cho thương lái nên lượng trái lớn không còn nhiều lắm nhưng nhìn vườn bưởi của ông quả thật thấy bắt mắt vô cùng. Bưởi có tới 3 độ tuổi khác nhau, có cây 20 năm tuổi, có cây 10 năm tuổi nhưng cũng có nhiều cây mới vài ba năm tuổi. Giải thích về điều này, ông Quận cho rằng, tuổi thọ cây bưởi không dài lắm, khoảng chừng trên 10 năm là có khả năng bị xuống nếu đất trũng, lún, cây bị vàng lá rồi lụng dần. Do vậy, muốn vườn bưởi lúc nào cũng xanh tốt thì yếu tố thay thế, tức trồng nối tiếp là vô cùng quan trọng. Ông Quận cho biết, trên 3ha đất bưởi hiện nay, có năm ông phải trồng thay đến 500 gốc để bù vào những cây bị xuống thì năng suất, sản lượng mới đảm bảo.

Để có 3ha đất trồng bưởi như bây giờ không phải đơn giản tí nào. Ban đầu, ông chỉ trồng thử vài ba công, theo kiểu tự phát, có thể nói là trồng theo phong trào, vừa mày mò kỹ thuật nhưng lại lo toan nhiều đến đầu ra. Tuy nhiên, qua vài năm thấy cây bưởi thích hợp có thể phát triển tại vùng đất này nên ông mới quyết tâm bứt phá, mở rộng diện tích theo từng năm và hiện đã lên đến 3ha.

Lợi nhuận 1,25 tỷ đồng/năm   

Ông Quận cho rằng, nếu như trồng chuyên canh với diện tích đất liền kề, trồng cùng thời điểm thì giải quyết rất nhiều khâu, từ việc chăm sóc đến thu hoạch đều có thể giảm chi phí, hạ giá thành. Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm, ông áp dụng giải pháp thực tế là xoay vòng trên từng vườn bưởi của mình. Do đó, lúc nào cũng có bưởi để bán, giá cũng nhiều loại khác nhau nhưng trồng bưởi chỉ cần giá trung bình trên dưới 35 ngàn đồng/kg là ổn. Khi cây bưởi được chăm sóc đúng kỹ thuật, để trái vừa phải, thì có thể đảm bảo năng suất tối đa.

Ông Quận cho biết thêm, hầu hết nhà vườn vùng đất này trước đây trồng rất nhiều các loại cây trái khác nhau, nhiều nhất là nhãn. Cũng có nhiều diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả như xen dừa, chuối, mít. Còn riêng ông, từ vườn nhãn đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây bưởi da xanh trên diện tích 3ha với khoảng 1.200 gốc, hiện có khu đã 20 năm tuổi (2 công) nhưng vẫn cho trái khá tốt; 1,3ha trên 16 năm tuổi và 1,5ha trồng mới đang chuẩn bị cho trái. Hiện số diện tích đã cho trái năng suất đạt 50 tấn/ha/năm, lợi nhuận 1,25 tỷ đồng/năm. Ông Quận cho biết, vào mùa thuận, bưởi thường trổ bông khá nhiều nếu để cây có quá nhiều trái sẽ không đạt chất lượng, kích cỡ theo yêu cầu của thị trường nên ông đã tỉa thưa, chỉ để lại những trái có khả năng phát triển tốt. Gần đây, ông tham gia sản xuất theo mô hình VietGAP nên chủ yếu sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo đất nên trái và múi có màu sắc đẹp hơn, bán giá chênh lệch so với trước đây khoảng 10 - 15%.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, ông Quận cho rằng, ngoài các loại phân thông thường, mỗi tháng, ông còn bổ sung phân cho cây chủ yếu là zara NaUy chuyên sử dụng cho cây có múi. Ngoài ra, còn bổ sung phân hữu cơ Nhật 2 lần/năm. Theo ông Quận, sản xuất theo hướng VietGAP tuy cực hơn nhưng ưu điểm là năng suất bưởi tăng cao; đồng thời, đây là cách để nâng cao chất lượng, giá trị bưởi lên, nhất là bưởi xuất khẩu. Ông cũng vừa tham gia làm thành viên hợp tác xã bưởi da xanh của xã để có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ tốt hơn, đồng thời hỗ trợ cho bà con trong xã phát triển nghề trồng bưởi ổn định hơn.

Bài, ảnh: Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN