Làm rõ một số vấn đề của dự thảo Luật Tài nguyên nước

14/11/2023 - 20:44

Chiều 14-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó làm rõ những vấn đề của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp chiều 14-11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp chiều 14-11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tăng trách nhiệm của chủ dự án  

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Liên quan đến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định việc tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ: Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải (khoản 1); có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật (khoản 5, 6); bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải (khoản 4).  

Đồng thời, khoản 5 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Nên xin được giữ như dự thảo Luật.

Đối với đề nghị nghiên cứu bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người nông dân, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên nước.

Ngoài ra, việc triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo lộ trình và chỉ thu khi Nhà nước thu thủy lợi phí, được quy định tại khoản 3 Điều 86.  

Theo báo cáo của Chính phủ, quá trình xây dựng Luật đã có đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của chính sách đối với việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại nội dung đánh giá chính sách về tài nguyên nước. Đồng thời, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 69. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.  

Bỏ thu tiền cấp nước khai thác tài nguyên với nước mặt?

Giải trình làm rõ một số vấn đề của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ. Qua các ý kiến, các nội dung giải trình đã được hai cơ quan tiếp thu vào trong dự thảo Luật này. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất các ý kiến như trong báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về đề xuất của Chủ tịch Quốc hội kiến nghị bỏ thu tiền cấp nước khai thác tài nguyên đối với hoạt động khai thác nước mặt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc triển khai thực hiện thu thủy lợi phí này thì cần thực hiện theo lộ trình. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về quy mô. Vì trong tương lai có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng lúa, sử dụng nhiều hệ thống trữ nước, khai thác nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt, sử dụng nguồn nước này rất lớn.

Bộ trưởng cũng hiểu rằng quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này là hướng dẫn đến người dân sản xuất nông nghiệp, từ thủy lợi phí, cho đến thuế… Vì vậy, Bộ sẽ rà soát lại, tránh sự hiểu nhầm là thu phí cả của người dân sản xuất nông nghiệp, không đúng với chính sách ưu đãi về phí, lệ phí, thuế…

Báo cáo tại phiên họp liên quan đến khoản 2 Điều 68 về giá tính thuế tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo quy định theo hướng, giá căn cứ vào yếu tố là mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực.

Quan điểm của Bộ Tài chính về hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên đó là hạn chế các quy định liên quan đến mục đích sử dụng. Nếu quy định như dự thảo sẽ phức tạp và rủi ro trong quá trình tính giá đối tài nguyên nước, phức tạp không kém khi nói về giá đất trong dự thảo Luật Đất đai. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ quy định giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Về xã hội hóa thu gom, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc xử lý nước thải  trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã yêu cầu quy định. Do đó, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để cải tạo các dòng sông chết. Nếu Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn phục hồi các dòng sông chết vì Luật Bảo vệ môi trường chưa rõ các nội dung này, ưu tiên bổ sung nguồn lực để xử lý, từ đó Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ.

Liên quan đến một số ý kiến góp ý về từ “moong” khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, trong Luật Khoáng sản, quy chuẩn, tiêu chuẩn khoáng sản có từ “moong”. Thực tế, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sử dụng lại các moong, mỏ than, mỏ đá… để giữ làm nguồn nước. Do đó, từ “moong” cũng rất phổ quát, quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn trong Luật Khoáng sản.

Liên quan đến nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần phải nghiên cứu tiếp. “Các công ty khai thác công trình thủy lợi cần tái sản xuất, cần vốn để hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết hiện nay các công trình của ta xuống cấp vì không có gì để tái sản xuất, nâng cấp kênh mương… Do vậy, trong chừng mực chính sách thủy lợi, nên nghiên cứu để kinh tế sản xuất nông nghiệp có đóng góp, nhằm nâng cao trách nhiệm của những người sử dụng nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về vấn đề nước mặt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nên nghiên cứu đến các vùng nước nuôi tôm hoặc trồng thủy sản để đảm bảo toàn diện hơn.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với 5 nhóm đề tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để có nghiên cứu hoàn thiện thêm một số nội dung.  

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với quy định cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đề nghị 2 cơ quan trao đổi thêm để đảm bảo được tính công bằng, hợp lý, có thể linh hoạt hơn.  

Đối với Điều 70 dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân khi xã hội hóa, bảo đảm các quyết định điều hòa, phân bổ nguồn nước, các quyết định chỉ đạo vận hành các hồ chứa liên hồ chứa theo thời gian thực để tối ưu hóa hiệu quả lợi ích sử dụng nước. Đồng thời, cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng, tài sản của Nhân dân các vùng hạ du. 

Về Điều 34 quy định phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, Điều 72 và Điều 74, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ hơn, đảm bảo tính khoa học, khả thi, ưu tiên nguồn lực cho việc phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt. Đề nghị làm rõ nội hàm hơn về vai trò, nội dung của kịch bản nguồn nước, bởi đây là xương sống cho điều hòa phân phối nước, để từ đó, các bộ ngành, địa phương có phương án cân đối, thực hiện chủ động sử dụng hiệu quả.  

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải cố gắng tập trung tối đa để rà soát để đảm bảo thống nhất các điều khoản có liên quan tới các luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).  

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN