Làng nghề cá và tôm khô An Thủy khẳng định thương hiệu quê hương

19/07/2024 - 13:24

BDK.VN - Ngày 16-12-2022, Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 210946 (tôm khô) và 210947 (cá khô) theo Quyết định số 1011093/QĐ-SHTT cho làng nghề cá và tôm khô An Thủy (nay là thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri). Và ngày 12-12-2023, Cục sở hữu trí tuệ đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu công nghiệp cho Hội Nông dân thị trấn Tiệm Tôm theo Quyết định 116482/QĐ-SHTT.

Bà Nguyễn Thị Loan bên trong hệ thống sấy cá khô của gia đình.

Hiện nay, làng nghề cá và tôm khô An Thủy có khoảng 60 hộ (50% thường xuyên và 50% hoạt động theo mùa vụ). Trung bình mỗi năm, làng nghề sử dụng hơn 70 ngàn tấn cá, tôm tươi nguyên liệu để sản xuất; cung ứng cho thị trường tiêu thụ khoảng 19 ngàn tấn thành phẩm. Làng nghề đã thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất cá, tôm khô, có 22 hộ tổ viên (TV.

Trước kia, bà Nguyễn Thị Loan (Sáu Dũng), 45 tuổi, ngụ tại Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 19, Khu phố An Lợi chủ yếu thu nhập từ công việc làm thuê trong ngành đánh bắt thủy hải sản, với sự thiếu trước hụt sau trong gia đình. Năm 2016, bà tận dụng 500m2 đất nhà quyết định gắn bó công việc chế biến cá khô (đù, mối, lưỡi Trâu) theo phương pháp truyền thống, mang về lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/ngày. Hộ bà Sáu Dũng đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ công việc sản xuất cá khô; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động phổ thông địa phương, thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng/người/ngày.

“Cá sau khi mua về, tôi tiến hành sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp gia vị hợp lý mà không sử dụng phẩm chất hóa học, rồi mang đi phơi dưới ánh nắng tự nhiên (khoảng 18 giờ) sẽ đạt chất lượng. Trường hợp trời mưa bất ngờ, tôi sử dụng hệ thống sấy khô để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Cứ 2,5kg cá tươi nguyên liệu sẽ chế biến được 1kg cá khô thành phẩm. Tôi sản xuất tầm 250kg cá khô/ngày, giá bán dao động từ 70 - 110 ngàn đồng/kg”, bà Sáu Dũng cho biết.

Gần 10 năm, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, 39 tuổi, Tổ NDTQ số 23, Khu phố An Lợi gắn bó công việc sản xuất cũng như đầu mối tiêu thụ cá, tôm khô tại địa phương. Theo chị Thanh trung bình mỗi ngày, chị sản xuất từ 300 đến hơn 500kg cá, tôm nguyên liệu từ việc thu mua, tận dụng sản lượng 2 ghe cào của gia đình, tiêu thụ thêm ra thị trường tầm 500kg cá, tôm khô/ngày. Nói về lợi nhuận từ công việc chế biến, kinh doanh chị Thanh cho hay, mình không thể tính chính xác nhưng kinh tế gia đình ổn định”, chị Thanh bộc bạch.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tiệm Tôm Cù Thanh Hải cho hay: Năm 2013, Hội vận động và tuyên truyền cho 40 hộ dân địa phương tham gia làng nghề. Lúc đầu, bà con cũng còn e ngại nhưng vững tin tham gia qua thời gian phát triển của làng nghề. Đầu năm 2023, Hội xây dựng và triển khai thực hiện mô hình Dân vận khéo “Vận động chi hội làng nghề chế biến cá khô đảm bảo môi trường trong sản xuất” và cuối năm 2023 đã được huyện công nhận. Từ khi thành lập đến nay, làng nghề không ngừng phát triển góp phần cùng địa phương xây dựng thành công đô thị văn minh, khẳng định sản phẩm đặc trưng trên quê hương Ba Tri.

“Hướng tới, lãnh đạo các cấp cần hỗ trợ cho TV làng nghề trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật vào trong sản xuất, chế biến cũng như kinh doanh. Đại phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn để TV xây dựng kho đông lạnh, khu trưng bày phục vụ nhu cầu bảo quản sản phẩm và di dời làng nghề ra khỏi khu dân cư nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho TV sử dụng được nhãn hiệu tập thể đã được công nhận và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm của làng nghề”. 

(Chủ tịch UBND thị trấn Tiệm Tôm Trần Văn Hồng)

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN