Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới hôm 7-8 đang chạy đua tìm cách hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng kép diễn ra ở Mỹ và châu Âu.
|
Nhân viên chứng khoán trên sàn giao dịch New York trước sự hoang mang của thị trường thế giới - Ảnh: AFP |
Bộ trưởng kinh tế các nước G7 đã tổ chức các cuộc hội đàm khẩn cấp qua điện thoại, bất chấp thời gian cuối tuần và nhiều bộ trưởng đang nghỉ hè. Báo Guardian dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp François Baroin cho biết ông đang giữ liên lạc với những người đồng cấp: “Chúng tôi sẽ theo dõi sát tiến triển những gì có thể xảy ra vào thứ hai 8-8”.
Lãnh đạo G7 và các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thảo luận và đưa ra một tuyên bố chung nhằm trấn an giới đầu tư trước khi thị trường châu Á mở cửa hôm nay 8-8. Theo các quan chức Nhật, tình hình kinh tế Mỹ và nợ châu Âu sẽ là hai chủ đề chính được thảo luận. Ngoài ra, các thứ trưởng kinh tế nhóm G20 cũng thảo luận suốt đêm 6-8.
Vẫn tin vào Mỹ
Theo AFP, Nhật - nước hiện nắm trái phiếu Mỹ nhiều thứ hai sau Trung Quốc - dự kiến công bố kế hoạch tiếp tục mua trái phiếu Mỹ để bày tỏ sự tin tưởng vào Washington. Hàn Quốc cũng cho biết vẫn tin vào trái phiếu Mỹ. Tokyo đề xuất ý tưởng can thiệp lần hai vào thị trường tiền tệ nhằm làm suy yếu đồng yen, tăng xuất khẩu. Tuần trước, Tokyo đã bán ra 4.660 tỉ yen (gần 60 tỉ USD) để hạ nhiệt đồng tiền của mình. Cuộc khủng hoảng nợ khiến giới đầu tư rời bỏ đồng USD và euro, đẩy giá các đồng tiền khác như yen tăng mạnh.
Lãnh đạo các ngân hàng trung ương châu Âu cũng tổ chức một cuộc họp để bàn cách thức phản ứng với cuộc khủng hoảng nợ công. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thảo luận việc có nên mua trái phiếu của Chính phủ Ý hay không. Nợ nần của Washington vốn được cho là ít liên quan đến khu vực đồng euro, nhưng nay tác động dây chuyền của nó có thể đẩy Ý và Tây Ban Nha lún sâu vào khủng hoảng. “Nếu việc hạ định mức tín nhiệm của Mỹ làm lãi suất trái phiếu Ý và Tây Ban Nha tăng thì việc vỡ nợ không thể tránh khỏi” - Erik Britton, giám đốc Tổ chức tư vấn tài chính Fathom, nhận định. Lãi suất nợ của Rome và Madrid hiện đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sau cuộc điện đàm hôm 6-8 cũng thống nhất phối hợp hành động, theo dõi diễn biến trên thị trường tài chính và giữ liên lạc thường xuyên.
S&P sờ gáy các tổ chức tài chính Mỹ
Tờ Financial Times cho biết sau khi cho Chính phủ Mỹ một cú trời giáng hồi cuối tuần, Tổ chức tài chính Standard & Poor’s (S&P) hôm nay (8-8) công bố tiếp kết quả đánh giá tín dụng của các tổ chức tài chính có liên quan đến Washington như Fannie Mae và Freddie Mac. Nhiều khả năng S&P sẽ tiếp tục hạ định mức tín dụng của các tổ chức này. Đáp lại những chỉ trích từ Chính phủ Mỹ, S&P vẫn khẳng định “những số liệu của chúng tôi là chính xác và đánh giá của chúng tôi rất chắc chắn”.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã lên tiếng trấn an các ngân hàng sau “sai lầm” của S&P, nhấn mạnh sẽ tiếp tục chấp nhận thế chấp trái phiếu như bình thường và các ngân hàng sẽ không bị đe dọa về vốn khi nắm giữ nợ của Chính phủ Mỹ.
Trong khi hậu quả về kinh tế còn khó ước đoán chính xác, quyết định của S&P rõ ràng khiến chia rẽ trên chính trường Mỹ càng thêm sâu sắc. Dù đã đạt được thỏa thuận nâng mức nợ trần hồi tuần trước, phe Cộng hòa và Dân chủ vẫn bất đồng về nhiều chính sách, đặc biệt là nâng thuế giới nhà giàu. “Phần lớn thành viên Cộng hòa trong quốc hội tiếp tục từ chối bất cứ biện pháp nào giúp tăng doanh thu chính phủ” - S&P cho biết. Điều chắc chắn là áp lực từ S&P buộc Washington phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế, hoặc cả hai để ổn định nợ quốc gia.