Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, PGS.TS Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại buổi tiếp đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: Bến Tre là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm việc biên soạn Địa phương chí. Ở địa phương, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn có nhiều khó khăn mà cơ quan quản lý và người thực hiện công trình gặp phải cần được cấp trên kịp thời tháo gỡ.
Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là đơn vị phối hợp tỉnh và chủ trì thực hiện đề tài Xây dựng Địa phương chí tỉnh Bến Tre theo quy chuẩn Địa chí Quốc gia Việt Nam. Thời gian thực hiện từ tháng 1-2020 đến tháng 1-2022 và được điều chỉnh, gia hạn đến năm 2024. Tổng kinh phí thực hiện hơn 5,743 tỷ đồng.
Địa phương chí tỉnh Bến Tre bao gồm 3 quyển (quyển 1 - Địa lý và Lịch sử; quyển 2 - Kinh tế và Xã hội và quyển 3 - Văn hóa); thuộc 1 tập của quyển Địa chí Quốc gia Việt Nam. Quyển 1 đã được Hội đồng KH&CN xem xét, đánh giá, nhận xét vào năm 2020 của UBND tỉnh. Hiện nay, về cơ bản đã thông qua danh sách của 102 sự kiện và 150 nhân vật trên quê hương Đồng Khởi đưa vào quyển 1 của Địa phương chí tỉnh Bến Tre.
Quyển 2 và quyển 3, về cơ bản nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin dữ liệu, tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và biên soạn tương đối hoàn thiện các nội dung nghiên cứu.
Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ và thành viên đoàn công tác của UBND TP. Cần Thơ tìm hiểu thêm các vấn đề như: việc thu thập thông tin của thành viên nghiên cứu, thời gian triển khai thực hiện nghiên cứu. Trao đổi cùng đơn vị biên soạn công trình Địa phương chí tỉnh Bến Tre về cách biên soạn trong từng chương, quy chế và tiêu chí biên soạn trong dựng công trình Địa phương chí TP. Cần Thơ thích hợp và thành công.
Theo đại biểu sở, ban ngành và đơn vị có liên quan tại tỉnh, công trình Địa phương chí tỉnh Bến Tre được xem như là “Bách khoa toàn thư” của địa phương. Do đó, các thông tin được trình bày trong quyển sách cần được biên soạn vừa ngắn gọn, cô đọng, bao quát, chính xác, giá trị giáo dục truyền thống cũng như giá trị trong việc thông tin, quảng bá hình ảnh quê hương Đồng Khởi.

UBND tỉnh Bến Tre và UBND TP. Cần Thơ trao quà lưu niệm cùng nhau.
Phó chủ tịch Thường trực TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển chia sẻ: TP. Cần Thơ đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban thẩm định biên soạn cùng phân công cụ thể đơn vị triển khai thực hiện về biên soạn công trình Địa phương chí TP. Cần Thơ. Năm 2024, địa phương cơ bản sẽ hoàn thành về vấn đề soạn thảo theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của cấp trên. Địa phương phân nhỏ và phân công cụ thể sở, ban, ngành phụ trách việc biên soạn cho từng chương và mảng trong Địa phương chí TP. Cần Thơ.
.jpg)
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Những kinh nghiệm được các đại biểu tham dự chia sẻ ngày hôm nay sẽ là những tư liệu quý báu cho TP. Cần Thơ trong việc thực hiện hoàn thành công trình Địa phương chí TP. Cần Thơ.
Tin, ảnh: Lê Đệ