Lãnh đạo Ukraine và Đức thảo luận về Dòng chảy phương Bắc 2

22/08/2021 - 22:35

Thủ tướng Đức Merkel đã kêu gọi việc gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Bà nhấn mạnh không nên sử dụng khí đốt như "một vũ khí địa chính trị."

Công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 26-3-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 26-3-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22-8-2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Kiev, trong đó hai bên tập trung thảo luận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.

Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Zelenskiy đã yêu cầu sự rõ ràng về điều gì sẽ xảy ra sau khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga sẽ hết hạn vào năm 2024, cho rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này này vẫn đang mơ hồ.

Ông Zelenskiy vẫn duy trì quan điểm phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel đã kêu gọi việc gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Bà nhấn mạnh không nên sử dụng khí đốt như "một vũ khí địa chính trị."

Trước đó, trong chuyến thăm Nga, Thủ tướng Merkel cũng có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó đề cập đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Phát biểu họp báo sau cuộc thảo luận với bà Merkel ở thủ đô Moskva, ông Putin thông báo dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gần như đã hoàn thành và chỉ còn 15km đường ống cần xây dựng nốt.

Ông cũng cam kết Nga sẽ tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ của mình về việc quá cảnh khí đốt qua Ukraine và sẵn sàng gia hạn thỏa thuận quá cảnh khí đốt này sau năm 2024 với những chi tiết sẽ được bàn thảo thêm.

Trong những năm qua, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã đối mặt với nhiều cản trở từ một số nước châu Âu và Mỹ. Cả Mỹ và Ukraine đều phản đối dự án này.

Washington lo ngại dự án này khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine.

Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia dự án này nhưng vẫn không ngăn cản được dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN