 |
Các em lao động tại lò than dưới nắng hè gay gắt. Ảnh: Q.H |
Ông Nguyễn Hoàng Dân – Quyền Trưởng phòng bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Sở thường xuyên tuyên truyền Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em đến từng địa phương, cơ sở sản xuất. Theo ông, để giảm thiểu tình trạng lao động và bảo vệ quyền lợi trẻ em, cần xây dựng quy định về lao động trẻ em, đưa ra khung hình phạt rõ ràng đối với những trường hợp vi phạm về việc bóc lột cũng như phạm vi cụ thể trong việc sử dụng lao động trẻ. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp thành lập CLB trợ giúp pháp lý cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Thực tế cho thấy, trẻ lao động sớm đã đóng góp được khá nhiều cho gia đình, thậm chí có những em tạo nguồn thu nhập chính trong nhà. Các em kiếm tiền bằng nhiều cách như: khuân vác, phục vụ quán cơm, bán vé số hay làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch, than tổ ong…
Nhìn những đứa trẻ quần áo lấm lem, khuôn mặt đen đủi, bàn tay chai sần, chân đất đang lom khom xếp từng cục than tổ ong dưới cái nắng hè gay gắt, ai thấy cũng phải chạnh lòng! Thêm vào đó, các em phải luôn làm việc trong môi trường có thể nói là độc hại (bụi than) mà không được trang bị bất cứ dụng cụ bảo hộ lao động nào. Em Lê Văn C. (14 tuổi, quê ở Lương Quới – Giồng Trôm), đang làm ở một cơ sở sản xuất than thuộc xã Phú Hưng (thị xã Bến Tre) ngại ngùng nhưng cũng không giấu giếm hoàn cảnh: Do nhà nghèo nên phải lao động để kiếm tiền trong những ngày hè. Công việc mỗi ngày của C. là phơi và xếp than vào túi nylon, khiêng vào nhà. C. vừa thoăn thoắt đôi tay vừa trò chuyện với chúng tôi: Em mới vào làm hơn chục bữa, ngày tám tiếng, chủ bao cơm trưa, mỗi ngày em được 45 ngàn đồng (vì nhỏ nên chủ trả thấp hơn các anh chị 10 ngàn đồng). Với số tiền này, C. dự tính một phần phụ giúp gia đình, phần còn lại “bỏ ống” mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Dù có cực nhọc nhưng xem ra C. vẫn còn may mắn hơn nhiều em nhỏ khác là còn được đến trường. Cùng quê với C., có hai chị em đã nghỉ học cũng đang làm tại đây là Hồ Thị Ng. (17 tuổi), Nguyễn Văn Ch. (14 tuổi), có nhiều năm trong nghề than. Lúc mới vào mỗi ngày Ch. được ông chủ trả 10 ngàn đồng, sau đó có tăng lên và bao luôn chỗ ở. Ở đây, có khi em thức dậy từ lúc 4h30 để đạp than, nhồi bùn và vận chuyển than ra sân phơi; trưa nắng lại khệ nệ khiêng than vào nhà. Chưa kể đến khi những cơn mưa bất chợt, các em phải dầm mưa trải bạt che than. Do làm việc quá sức nên các em bị còi thấp. Vì hoàn cảnh mà các em phải bươn chải ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh. “Quyền được vui chơi, được học hành” là những điều quá xa lạ với các em! Tôi chợt nhớ đến giọt nước mắt của một phụ huynh (là công nhân) trước đây: “Đi ngang qua trường học, nhìn thấy những đứa trẻ ở đó mà thương cho con của mình. Vì hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học để lao động sớm”.
Rời khỏi cơ sở sản xuất than, chúng tôi có mặt tại một lò gạch ở xã Hữu Định (Châu Thành). Tôi tranh thủ bắt chuyện với một bé trai 15 tuổi (tên Phạm Văn M.). Nhiệm vụ của M. là bốc gạch lên - xuống xe tải, khoảng ba thiên gạch mỗi chuyến. Nặng nhọc, nhưng M. luôn cầu mong lò gạch ngày nào cũng bán được hàng để em có việc làm. 15 tuổi, nhưng M. đã có “thâm niên” 3 năm trong làng gạch. Mỗi ngày em kiếm được khoảng 50 ngàn đồng. Như vậy, em có thể phụ giúp ba mẹ lo cho người chị ăn học, còn đối với em thì con đường đến trường hầu như đã khép lại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiều lao động tuổi “teen”. Trong số này, có em làm theo thời vụ, nghỉ hè vào làm, hết hè lại tiếp tục đến trường. Nhưng không ít trong số đó có những em lại bỏ học luôn để lao động kiếm sống. Đây là dấu hiệu lo ngại, đáng báo động.