Lao động tự do mong được tiếp cận chính sách hỗ trợ

20/08/2021 - 06:11

BDK - Giãn cách xã hội kéo dài, nhiều lao động tự do (LĐTD) trông từng ngày được nhận các chính sách hỗ trợ. Từ ngày 18-8-2021, trên cơ sở nhận được văn bản hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cùng với các mẫu đề nghị hỗ trợ (ban hành ngày 16-8-2021), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai đến từng hộ gia đình, người dân.

Thợ hồ là một trong những đối tượng được hỗ trợ (ảnh chụp trước dịch Covid-19 bùng phát).

Thợ hồ là một trong những đối tượng được hỗ trợ (ảnh chụp trước dịch Covid-19 bùng phát).

Tiếp cận chính sách

Mới đây, khi Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh do Sở LĐTB&XH biên soạn chuẩn bị ban hành, cán bộ Phòng LĐTB&XH TP. Bến Tre đã nhanh chóng đến nhận văn bản và các biểu mẫu ngay khi “mới ra lò” để triển khai đến các UBND xã, phường. Cùng lúc, Tòa soạn Báo Đồng Khởi cũng nhận được nhiều cuộc gọi của bạn đọc phản ánh thông tin xoay quanh việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Anh Đặng Hồng Đăng, sinh năm 1984, ngụ ấp Thạnh Bình, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri tâm tư: “Tôi là thợ hàn. Tôi có máy và tự làm ở nhà, không đi làm thuê cho chủ. Khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ LĐTD, tôi có liên hệ làm hồ sơ nộp UBND xã Bảo Thuận nhưng UBND xã từ chối với lý do tôi không phải người đi làm thuê. Theo tôi, người LĐTD như tôi thì còn khó khăn hơn người đi làm thuê, vì làm thuê ít nhiều có chủ lo hoặc được chính sách Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ”. Anh Đăng bày tỏ mong muốn được tiếp cận chính sách hỗ trợ. Bởi anh đang là trụ cột gia đình nhưng lại thất nghiệp. Anh phải gánh vác gia đình 6 người, gồm: cha mẹ già, 2 con nhỏ 9 tuổi, 6 tuổi và vợ. “Vào năm 2020, ở đợt 1 hỗ trợ cho lao động khi giãn cách xã hội, tôi đã không nhận chính sách hỗ trợ vì thấy gia đình mình vẫn còn cầm cự được, nhưng nay giãn cách kéo dài, gia đình tôi đã đuối sức nên rất trông ngóng sự hỗ trợ”, anh Đặng Hồng Đăng thổ lộ.

Trường hợp của anh Đặng Hồng Đăng được xếp vào nhóm LĐTD. Đây là đối tượng thuộc nhóm 12 - lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ. Để hỗ trợ cho đối tượng LĐTD, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 về “Quy định hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh”. Tiếp đó, ngày 16-8-2021, Sở LĐTB&XH biên soạn và ban hành “Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh”.

Chính sách, hướng dẫn cụ thể đã có, nhưng người dân có được tiếp cận chính sách hỗ trợ một cách công tâm và công bằng hay không lại phụ thuộc vào những người trực tiếp thực hiện chính sách.

Bình xét công tâm

Theo hướng dẫn của Sở LĐTB&XH, đối tượng LĐTD được hỗ trợ là NLĐ tự làm hoặc làm thuê thuộc 10 nhóm công việc, lĩnh vực được quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh.

Lao động bốc vác là những đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND (ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19).

Lao động bốc vác là những đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND (ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19). 

Trao đổi với đại diện Sở LĐTB&XH về trường hợp của anh Đặng Hồng Đăng, ngụ xã Bảo Thuận, ông Nguyễn Văn Chương - Trưởng phòng Lao động và Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Việc xem xét, quyết định từng trường hợp đăng ký hỗ trợ chủ yếu do chính quyền địa phương tổ chức họp bình xét dưới sự chủ trì của đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, có sự tham gia của các đại diện Văn phòng UBND cấp xã, công chức LĐTB&XH cấp xã, các hội, đoàn thể xã, các trưởng ấp, khu phố và có sự giám sát của MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn. Vì chỉ có địa phương là người nắm rõ nhất từng trường hợp, hoàn cảnh cần hỗ trợ từ chính sách. Đối với anh Đặng Hồng Đăng, nếu anh là lao động tự làm ở nhà và có thêm 1 người phụ - chứ không phải làm chủ, ngày thường thuê nhiều nhân công làm việc thì anh Đăng được xếp vào đối tượng “Làm thuê thợ hồ, phụ hồ; làm thuê trong các lĩnh vực: hàn, tiện, sơn, mộc, sửa xe” được hỗ trợ”.

Thêm nữa, để nhận được mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần (chỉ hỗ trợ 1 lần cho NLĐ) thì anh Đặng Hồng Đăng phải thỏa 3 điều kiện, gồm: bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Bị mất thu nhập hoặc có thu nhập nhưng mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1- 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trong thời gian bị mất việc làm. Cụ thể, đối với khu vực nông thôn thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng; đối với khu vực thành thị thấp hơn 2 triệu đồng/tháng. Cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú (áp dụng cho cả lao động thuê trọ có đăng ký cư trú đúng quy định).

Việc bình xét chọn ra những lao động đủ điều kiện hỗ trợ là công việc hết sức nhạy cảm, cần sự công tâm, công bằng vì nhiều người dân đang rất khó khăn. Địa bàn phường An Hội, TP. Bến Tre là nơi có nhiều lao động đã được tiếp cận chính sách hỗ trợ trong đợt 1 (giãn cách xã hội vào năm 2020). Chia sẻ những kinh nghiệm đã thực hiện, Chủ tịch UBND phường An Hội Nguyễn Thị Kim Chi cho hay: “Quan trọng nhất là thành phần họp xét. Chúng tôi tổ chức họp xét mỗi khu phố 1 ngày. Bên cạnh thành phần họp theo quy định, chúng tôi còn chọn thêm công an khu vực, họ là những người nắm vững địa bàn, để tránh các trường hợp trục lợi chính sách, đồng thời không bỏ sót đối tượng. Đặc biệt, ở những khu phố có đối tượng nộp hồ sơ nhiều, chúng tôi sẽ lọc ra từng người theo từng tổ nhân dân tự quản, rồi mời luôn tổ trưởng tổ nhân dân tự quản đó vào cuộc họp bình xét. Mỗi trường hợp đăng ký khi đọc tên lên phải có ít nhất 1 người trong hội đồng bình xét biết rõ hoàn cảnh và chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin cho hội đồng về trường hợp đó. Những trường hợp đọc tên mà không ai trong hội đồng biết thì chúng tôi để lại và đi xác minh sau”.

Theo Chủ tịch UBND phường An Hội Nguyễn Thị Kim Chi, tuyên truyền là công việc rất quan trọng, nhằm giúp người dân hiểu được chính sách hỗ trợ để giúp đỡ những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, thực sự khó khăn, người dân không nên “chạy theo chính sách”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN