Lễ đón Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thăm chính thức Việt Nam

16/05/2025 - 12:12

Sáng 16-5-2025, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam - Thái Lan từ ngày 15 đến ngày 16-5-2025.

 

Thiếu nhi Thủ đô Hà Nội nồng nhiệt chào mừng Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Vui mừng đón một Thủ tướng Thái Lan đến thăm Việt Nam sau 11 năm và đồng chủ trì Kỳ họp Nội các chung đầu tiên của Thủ tướng hai nước sau 10 năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ra tận cửa xe đón Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.

Sau khi nhận bó hoa tươi thắm từ các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Thái Lan cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính bước trên thảm đỏ hướng tới bục danh dự trong tiếng vẫy chào của các em học sinh với Quốc kỳ Thái Lan và Việt Nam trên tay. Khi hai nhà lãnh đạo bước lên bục danh dự, dưới Quốc kỳ hai nước, Quốc thiều Thái Lan và Việt Nam được cử lên.

Trong không khí trang nghiêm, hai Thủ tướng cùng bước tới chào Quốc kỳ hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra duyệt Đội Danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hai Thủ tướng giới thiệu cho nhau các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao hai nước dự Lễ đón; cùng chứng kiến diễu binh chào mừng của Đội Danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau Lễ đón, hai Thủ tướng di chuyển tới Trụ sở Chính phủ để tiến hành hội đàm.

Trước khi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cùng tham quan trưng bày ảnh về đất nước, con người và quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Thái Lan do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra kể từ khi bà nhậm chức Thủ tướng Thái Lan. Chuyến thăm là dịp để hai bên cùng đánh giá lại tiến trình thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian vừa qua nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất trong kỷ nguyên hợp tác, phát triển sắp tới.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau 49 thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường, quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thực chất, hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực. Với sự tin cậy chính trị cao, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN, APEC, Liên hợp quốc, tiểu vùng sông Mekong…

Kinh tế-thương mại-đầu tư là trụ cột hợp tác nổi bật trong quan hệ hai nước. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 9 trên thế giới với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt hơn 20,2 tỷ USD. Đến tháng 1-2025, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN với 757 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là hơn 14,35 tỷ USD. Việt Nam có 18 dự án đầu tư cấp mới sang Thái Lan và 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 34,2 triệu USD, đứng thứ 33/80 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, lao động, giáo dục - đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân... đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đang hỗ trợ các trường đại học của Việt Nam giảng dạy tiếng Thái; cấp học đào tạo tiếng Thái cho sinh viên, giảng viên Việt Nam tại Thái Lan.

Năm 2024, có hơn 984.000 khách du lịch Việt Nam thăm Thái Lan và hơn 418 nghìn khách Thái Lan đến Việt Nam. Thái Lan đang thúc đẩy sáng kiến hợp tác du lịch “sáu quốc gia, một điểm đến."

Hiện có 19 cặp tỉnh, thành phố của hai nước ký thỏa thuận hợp tác và kết nghĩa. Cộng đồng người Thái Lan gốc Việt có hơn 100 nghìn người, đóng vai trò là cầu nối quan trọng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chuyến công tác tại Việt Nam lần này của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2026).

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Thái Lan sẽ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung và cùng dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan cũng có các cuộc hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; đồng thời có các hoạt động quan trọng khác.

Cùng với rà soát kết quả hợp tác, hai bên bàn đưa mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn. Trong đó, hai bên sẽ tập trung trao đổi các biện pháp tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị, trao đổi đoàn và hợp tác giữa tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và địa phương; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế tiểu vùng Mekong. Hai bên sẽ cùng rà soát tiến độ triển khai các kế hoạch, sáng kiến trong lĩnh vực này, trong đó có sáng kiến “Ba kết nối” gồm: kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành như lọc hóa dầu, nông nghiệp và sản xuất máy móc và linh kiện điện tử; kết nối các doanh nghiệp và địa phương của 2 nước; kết nối các chiến lược phát triển bền vững, bao gồm Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 và Mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) của Thái Lan. Hai bên thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư, phấn đấu đến năm 2030 đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 25 tỷ USD.

Hai bên sẽ thảo luận về biện pháp kết nối giữa các địa phương cũng như tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, tạo nền tảng xã hội bền vững cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan góp phần tạo động lực mới để quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN