Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong thông điệp đăng trên trang điện tử của LHQ, Tổng Thư ký Antonio Guterres khẳng dịnh COVID-19 dù không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, song vẫn để lại nhiều hệ luỵ đối với kinh tế, hệ thống y tế và sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh thế giới cần phải sẵn sàng khi đại dịch tiếp theo xảy ra, thông qua việc theo dõi sát sự phát triển của các loại virus, củng cố hệ thống y tế và tăng cường bao phủ y tế phổ quát, bảo đảm mọi người đều được kịp thời chẩn đoán, điều trị và tiếp cận vaccine. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi các nước chung tay xây dựng một văn kiện toàn diện về sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại Phiên họp Hội đồng Y tế thế giới năm 2024, xây dựng một thế giới bình đẳng và khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người.
Qua thông điệp đăng trên nền tảng mạng xã hội X, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis kêu gọi tăng cường đoàn kết toàn cầu và lòng tin để bảo vệ quyền sức khỏe của tất cả mọi người, vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bển vững. Tiếp nối Tuyên bố chính trị của lãnh đạo cấp cao các nước đưa ra tại Phiên họp cấp cao đầu tiên của LHQ về sẵn sàng phòng chống và ứng phó dịch bệnh vào tháng 9/2023, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi các nước tiếp tục nỗ lực trong thương lượng việc sửa đổi Điều lệ Y tế toàn cầu.
Năm 2020, ĐHĐ LHQ đã thông qua Nghị quyết 75/27 do Việt Nam chủ trì xây dựng, lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh. Việt Nam cũng là một trong các nước nòng cốt thúc đẩy ĐHĐ LHQ tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó dịch bệnh tháng 9-2023, trong đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức