Liên kết nông dân tiêu thụ bưởi da xanh

19/11/2018 - 07:17

Trong năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh, UBND huyện Mỏ Cày Bắc, ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh (BDX) Hương Miền Tây đã mạnh dạn đăng ký thành lập thêm một doanh nghiệp (DN) mới là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây (xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc) nhằm có đủ tư cách pháp nhân thực hiện các hợp đồng với tổ, nhóm hợp tác cũng như với đối tác tiêu thụ trong và ngoài nước.

Các tổ hợp tác trồng bưởi tham quan dây chuyền đóng gói, bảo quản bưởi da xanh tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây.

Các tổ hợp tác trồng bưởi tham quan dây chuyền đóng gói, bảo quản bưởi da xanh tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây.

Trước yêu cầu của thị trường về sản lượng ổn định, chất lượng đảm bảo và kích cỡ, mẫu mã hàng hóa thì DN phải đổi mới cách làm để xây dựng, giữ vững uy tín và có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Mạnh dạn đổi mới

Được sự hỗ trợ, định hướng chiến lược phát triển cho trái BDX Bến Tre, cơ sở thu mua BDX Hương Miền Tây đã xây dựng đề án nhà máy xử lý đóng gói và bảo quản BDX và được UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt. Đề án được Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Cây ăn quả miền Nam trực tiếp hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao quy trình.

Năm 2011, cơ sở thu mua BDX Hương Miền Tây đã đưa nhà máy xử lý đóng gói và bảo quản BDX đi vào hoạt động, với công suất giai đoạn đầu là 15 tấn/ngày. Nếu năm 2013, cơ sở đầu tư thêm công nghệ, nhà xưởng, tăng công suất  lên 30 tấn/ngày thì đến cuối năm 2017, nhà máy đầu tư thêm băng chuyền tự động, giúp cải thiện hiệu quả công việc, góp phần tăng công suất lên 70 - 80 tấn/ngày. Để đáp ứng các thị trường khó tính, đáp ứng các đơn đặt hàng lớn, cơ sở đã xây dựng quy trình đóng gói đạt chuẩn HACCP và đầu tư thêm 2 kho lạnh để bảo quản BDX với trữ lượng 1.500 tấn.

Từ khi nhà máy đi vào hoạt động cho đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ngừng được mở rộng, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đây là một bước đột phá của sự đầu tư bài bản cho sản phẩm BDX và sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh.

Liên kết với nông dân

Cơ sở thu mua BDX là một đơn vị đi đầu trong hoạt động liên kết với người nông dân. Trước tình hình sản xuất không ổn định dẫn đến không giữ vững được thị trường tiêu thụ, cơ sở đã nghĩ đến phải thay đổi cách làm và con đường duy nhất đó là liên kết với các tổ, nhóm hợp tác của người trồng bưởi. Cách này giúp cơ sở có sản lượng ổn định để xây dựng thị trường và ổn định đầu ra hàng nông sản cho người nông dân.

Năm 2011, năm đầu tiên đi theo hướng kinh tế hợp tác, cơ sở đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tổ hợp tác (THT) Phú Thành. Hiện tại, cơ sở đã ký kết chính thức với 27 THT và 1 hợp tác xã, tổng diện tích khoảng 188ha, sản lượng thực tế khoảng 1.500 tấn (vượt gấp rưỡi so với sản lượng đăng ký), trong đó có 2 THT sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sơn Đông, TP. Bến Tre với sản lượng bình quân 160 tấn/năm. Trong năm 2018, cơ sở cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với gần 400 nông hộ và 89 thương lái, sản lượng trên 7 ngàn tấn/năm.

Có thể nói, BDX là một trong 8 sản phẩm được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Cơ sở được các sở, ngành quan tâm hỗ trợ trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Cụ thể, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành lập thêm nhiều THT sản xuất BDX theo mô hình kinh tế hợp tác để gắn kết với Hương Miền Tây thông qua các hợp đồng ký kết. Hội Nông dân cũng thể hiện vai trò chiếc cầu nối gắn kết giữa cơ sở với bà con. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hợp tác để phát triển

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ BDX đạt chuẩn rất lớn nhưng vùng nguyên liệu vẫn theo phương thức sản xuất truyền thống, không theo quy trình sản xuất an toàn. Sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn mà Hương Miền Tây ký kết hiện nay mới đạt 80 tấn/năm dẫn đến thiếu hàng xuất khẩu, thừa hàng nội địa. Thời gian qua cũng có trường hợp người nông dân vì lợi ích trước mắt nên quên đi việc bảo vệ thương hiệu BDX, hễ có người mua là bán mà không nghĩ đến việc phải đảm bảo chất lượng trái bưởi trước khi đưa ra thị trường. Nhiều THT trồng bưởi chưa liên kết tiêu thụ mà vẫn bán theo kiểu truyền thống. Thậm chí, mặc dù tham gia THT nhưng mạnh ai nấy bán cho thương lái, không có sự liên kết về thu gom và tiêu thụ dẫn đến giá cả, tình hình tiêu thụ nông sản bấp bênh.

Trong khi những đơn vị hợp tác với Hương Miền Tây thì cho rằng họ mong muốn được duy trì mối quan hệ với DN lâu dài, giúp người trồng bưởi có đầu ra ổn định. “Tổ đã gắn kết với DN để đáp ứng sản lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường của DN. Mặc dù hợp đồng sản lượng 150 tấn nhưng trên thực tế DN đã thu mua vượt hơn số lượng đó rất nhiều. Đây là điều rất phấn khởi cho người nông dân”, ông Vương Thành Công - Tổ trưởng THT Hiệp Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết.

Mới đây, có 10 THT và 1 hợp tác xã trồng BDX đã thực hiện tái ký hợp đồng tiêu thụ với DN. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai bên là có sự đồng thuận và tinh thần hợp tác rất cao, từ đó kết quả của mối quan hệ được duy trì và tiếp tục phát triển.

Cũng từ câu chuyện này cho thấy, còn rất nhiều người trồng bưởi, các THT trồng bưởi khác cần phải tiếp tục tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với các DN lớn, có đủ năng lực thu mua. Đây là con đường duy nhất để giúp phát triển bền vững vùng trồng bưởi và nâng cao giá trị trái bưởi, nâng cao thu nhập người sản xuất và vì chiến lược phát triển bền vững của thượng hiệu BDX Bến Tre. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, người trồng bưởi phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn hữu cơ hoặc theo quy trình sản xuất của DN.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN