Hướng đến liên kết tiểu vùng phát triển chuỗi các sản phẩm từ dừa. Ảnh: C. Trúc
Hướng phát triển bền vững
Sau hội thảo “Liên kết bền vững tiểu vùng DHPĐ vùng ĐBSCL” được tổ chức tại tỉnh vào tháng 10-2017, biên bản ghi nhớ triển khai đề án liên kết tiểu vùng DHPĐ đã được ký kết tại Vĩnh Long vào tháng 3-2018, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Biên bản cũng đã xác định các định hướng về nội dung liên kết.
Trên cơ sở đó, các tỉnh trong tiểu vùng phối hợp với các chuyên gia tiến hành xây dựng tầm nhìn chiến lược để làm nền tảng, định hướng phát triển liên kết giữa các tỉnh DHPĐ, từ đó đề xuất những nội dung trọng tâm nhằm phục vụ thiết thực cho việc xây dựng đề án chi tiết liên kết tiểu vùng.
Qua nghiên cứu và phân tích của các tỉnh cùng nhóm chuyên gia, kinh tế tiểu vùng DHPĐ đang có sự phát triển khá tốt, tổng GRDP của các địa phương trong tiểu vùng chiếm 26,8% tổng GRDP toàn vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của các địa phương không đồng đều. Năm 2016, Tiền Giang là địa phương có tổng GRDP lớn nhất, tiếp theo đó là Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương có sự khác biệt lớn; trong đó, Trà Vinh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất ĐBSCL với khoảng 10,3%, kế đến là Tiền Giang (8,5%), Bến Tre (5,3%) và Vĩnh Long (5,21%). Ngoài ra, cơ cấu kinh tế cũng thể hiện khác biệt giữa các địa phương.
Điểm nổi bật là diện tích cây ăn quả của tiểu vùng là 157 ngàn héc-ta, chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL. Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre là khu vực sản xuất và kinh doanh trái cây lớn nhất toàn vùng. Hiện đã có nhiều chỉ dẫn địa lý trái cây gắn với tiểu vùng này được công nhận như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, bưởi Năm Roi Bình Minh, dứa Tân Lập, bưởi da xanh Bến Tre… Những yếu tố này tạo thành lợi thế lớn giúp tiểu vùng trở thành thủ phủ trái cây của ĐBSCL.
Có thể nói, tiểu vùng DHPĐ là vùng hạ lưu của lưu vực ĐBSCL, có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, mỗi tỉnh trong tiểu vùng theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng lẻ, dẫn đến nhiều sự chồng chéo và mâu thuẫn, không phát huy được sức mạnh chung của tiểu vùng, cũng như dẫn đến sự trùng lặp về sản phẩm và cạnh tranh lẫn nhau; thiếu kết nối về cơ sở hạ tầng, gây khó khăn trong vận chuyển và làm giảm giá trị nông sản, hàng hóa.
Tại hội thảo “Liên kết bền vững tiểu vùng DHPĐ vùng ĐBSCL” tháng 10-2017, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo bày tỏ quan điểm về sự cần thiết phải liên kết. “Do thiếu liên kết nên không giải quyết được những vấn đề chung của khu vực như khai thác tài nguyên trái phép ở những vùng chồng lấn, bức xúc nhất là vấn đề khai thác cát”, Bí thư Tỉnh ủy nói.
Phương thức liên kết
Theo ông Châu Văn Bình - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận thức được sự cần thiết của việc liên kết phát triển, lãnh đạo 4 tỉnh tiểu vùng DHPĐ đã phối hợp, trao đổi và thống nhất phương thức xây dựng đề án liên kết theo hướng vừa khẩn trương, vừa thận trọng trong quá trình xây dựng chiến lược liên kết tiểu vùng phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ liên kết vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 120/CP của Chính phủ.
Như vậy, phát kiến về xây dựng liên kết tiểu vùng DHPĐ vùng ĐBSCL nhằm mang lại sự phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng có cơ cấu kinh tế hiện đại. Trong đó, nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao được phát triển dựa trên hệ sinh thái sông nước hạ lưu sông Mekong và kinh tế biển. Công nghiệp phát triển trên nền tảng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trọng tâm là thúc đẩy công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, kết hợp phát triển dịch vụ với du lịch sinh thái. Hệ thống đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai. Tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý, hiệu quả; bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Châu Văn Bình cho hay, tỉnh sẽ làm đầu mối và chủ trì tổ chức lễ ký kết tầm nhìn chiến lược liên kết tiểu vùng DHPĐ, với 8 nội dung trọng tâm liên kết, sẽ tổ chức vào ngày 10-1-2019.
8 nội dung dự kiến liên kết
- Liên kết phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực.
- Liên kết về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thủy - bộ, logistic, thủy lợi.
- Liên kết về quy hoạch vùng sản xuất, nhất là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương.
- Liên kết về bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, trong đó có tài nguyên cát, tài nguyên nước.
- Liên kết trong xúc tiến mời gọi hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản, xúc tiến thương mại, du lịch.
- Liên kết xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững tiểu vùng.
- Liên kết để xây dựng các chương trình, dự án chung của tiểu vùng liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ nguồn nước đặt trong tổng thể cả vùng ĐBSCL.
- Liên kết phát triển nguồn nhân lực.
|
Cẩm Trúc