Liên kết vùng để phát triển bền vững

04/10/2017 - 07:30
Chế biến cá xuất khẩu tại Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc

Tại hội nghị bàn về sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, tỉnh đã ghi nhận nhiều vấn đề quan trọng. 

 

Theo đó, việc đầu tư phát triển kinh tế địa phương tới đây phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế vùng. Quy hoạch vùng được tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương và có tính toán đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Cảnh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung này.

* Qua hội nghị, tỉnh nhận diện về liên kết vùng trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

- Đây là hội nghị rất có ý nghĩa đối với việc phát triển bền vững của vùng trong tương lai. Hội nghị cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, đồng thời có chỉ đạo về phương hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Thứ nhất, hội nghị cho rằng, thời gian qua ĐBSCL có rất nhiều quy hoạch. Mặc dù là quy hoạch vùng nhưng lại theo từng chuyên ngành, mang tính chồng chéo. Các quy hoạch ngành càng không gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng. Xây dựng quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm, mặc dù có thẩm định của Trung ương, dẫn đến thực trạng đầu tư của các bộ, ngành trên địa bàn không đồng bộ. Vì thế, hướng tới, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL theo hướng tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực vào một quy hoạch.

 

 

Đa dạng sản phẩm từ dừa xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Ảnh: C.T

Thứ hai, những tác động xấu đã và đang xảy ra làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian qua do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và sụp lún đất. Đó là những thách thức lớn mà các tỉnh ĐBSCL phải đối phó.

Nhìn lại, việc liên kết vùng mặc dù được triển khai từ lâu nhưng không có hiệu quả. Theo tôi, quy hoạch vùng tới đây cần có tư vấn tầm cỡ quốc tế. Bởi, trước đây việc xây dựng quy hoạch chủ yếu là sự tổng hợp lại từ nhiều ý kiến sở, ngành các tỉnh.

* Tỉnh đang và sẽ có những công trình, dự án nào thể hiện tính liên kết vùng ĐBSCL?

- Trước thực trạng sạt lở, lún sụp, Bến Tre xác định tăng cường quản lý việc khai thác khoáng sản. Nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng ít đi, nên trong quy hoạch thủy lợi rất cần thiết phải trữ nước vào mùa lũ để cung cấp cho mùa khô hạn mang tính quy mô của khu vực. Riêng Bến Tre, đến năm 2022, tỉnh cơ bản hoàn thành dự án thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre, trở thành hai túi nước khối lượng lớn, đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Vốn trung hạn đến năm 2022, Bến Tre được Trung ương phân bổ trên 8.000 tỷ đồng, trong đó có Dự án Jica về quản lý nguồn nước.

Về quy hoạch giao thông vùng, riêng qua địa bàn tỉnh Bến Tre, cần phải sớm đầu tư cầu Rạch Miễu 2 và hoàn thành song song với cầu Đại Ngãi (từ Sóc Trăng qua Trà Vinh). Hiện nay, cầu Rạch Miễu 2 đã được Chính phủ cho chủ trương đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải lập dự án tiền khả thi.

Hiện tại, quốc lộ 60 đã quá tải vào các ngày lễ, ngày cuối tuần; đang được đầu tư nâng cấp… Tất cả cần đồng bộ nhằm phục vụ giao thông đường bộ liên tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Đây là điều kiện giúp thông thương hàng hóa, thu hút đầu phát triển trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục…

Bến Tre đã cùng các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp xây dựng các chuỗi sản phẩm cá, lúa gạo, dừa. Hướng tới, Bến Tre sẽ gắn với các tỉnh có sản phẩm tương đồng tạo các chuỗi như tôm (các tỉnh ven biển), cá tra (các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang). Đồng thời, việc liên kết vùng hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm chung của vùng để phát triển quy mô, sản lượng, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, phát triển thị trường.

Nếu con tôm được xác định là chuỗi sản phẩm hàng đầu của ĐBSCL thì trái cây là sản phẩm chủ lực thứ hai, thứ ba là lúa gạo. Theo đó, giải pháp là tập trung cho giống chất lượng. Đối với Bến Tre, tập trung cho phát triển các giống trái cây.

Tuy nhiên, khó khăn về liên kết của Bến Tre là diện tích đất của từng hộ nông dân nuôi trồng các sản phẩm rất nhỏ, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, tiêu thụ khó khăn, chưa gắn được với thị trường theo chuỗi. Việc liên kết chuỗi sản phẩm theo hai hình thức: chuỗi ngang (là những người nông dân gắn với nhau qua tổ hợp tác, hợp tác xã để sản phẩm có chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp, sản lượng tập trung), chuỗi dọc (là gắn những người nông dân với doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến). Đặc biệt, các sản phẩm gắn với chuỗi của vùng đều có trong chuỗi các sản phẩm chủ lực mà Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy đề ra.

* Những việc cần triển khai thực hiện sau hội nghị này là gì, thưa ông?

- Tỉnh sẽ tăng cường quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, liên kết 4 tỉnh, đầu tư thủy lợi cho Bến Tre, đầu tư hệ thống nước ngọt dẫn từ Chợ Lách về Thạnh Phú.

Đối với liên kết toàn vùng, cần có một cơ quan đủ thẩm quyền làm “nhạc trưởng” để điều hành. Đặc biệt, đối với liên kết chuỗi từng sản phẩm, theo tôi đề xuất là phải do các bộ chuyên ngành chủ trì.

Tinh thần sau hội nghị, Bến Tre cũng như các tỉnh khu vực ĐBSCL cần xác định lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi toàn vùng theo quy hoạch, bố trí sản xuất… gắn với thị trường, đặc điểm từng vùng sinh thái. Có làm được điều này mới khắc phục tình trạng “giải cứu” nông sản liên tục, tạo sự phát triển bền vững cho ĐBSCL.

* Xin cảm ơn ông!

 

Cẩm Trúc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN