|
Người chăn nuôi heo cần giải pháp để duy trì ngành chăn nuôi heo. |
Đông đảo người chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam cùng ngành hữu quan thảo luận, đề xuất giải pháp về tiêu thụ và bình ổn giá thịt heo vào chiều 29-6-2017, tại UBND huyện Mỏ Cày Nam.
Chủ trang trại chăn nuôi heo Cao Minh Khải ở xã Tân Hội đề
xuất: Người dân phải thay đổi giống tức thì vì con giống hiện tại phải đầu tư 3
triệu đồng mới vào tạ, trong khi đó giống mới chỉ cần 2,5 triệu đồng. Đây là
cách để người nuôi heo tự cứu mình trước khi Nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó, Nhà
nước khuyến khích các trang trại mở lò giết mổ để kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Thành Thới B chia sẻ cách giảm
chi phí đầu tư trong chăn nuôi: “Người nuôi tự pha trộn thức ăn để cho heo ăn.
Chi phí đầu tư 2,7 triệu đồng/tạ, giảm 700 ngàn đồng/tạ so với thức ăn công
nghiệp. Chủ trang trại chăn nuôi heo Hồ Văn Truyền mong muốn được Nhà nước dự báo
về giá heo để người chăn nuôi tính toán khả năng giữ đàn và có cách điều tiết
cho phù hợp. Hoặc nếu khuyến cáo người chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề thì sớm
có định hướng phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành ngân hàng cần mạnh dạn hỗ trợ
cho vay trả chậm, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng người chăn nuôi.
Ông Phan Văn Hợp - Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam đề
nghị hộ chăn nuôi quan tâm tái cơ cấu đàn heo theo tỷ lệ heo nái, heo thịt, heo
con; theo dõi thông tin giá cả thị trường, dự báo, tình hình cung - cầu.
Ông Hợp lưu ý: Hộ chăn nuôi nên đăng ký
tham gia Đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. Hồ Chí
Minh; chuỗi giá trị con heo; tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất con
heo theo hướng bền vững.
Bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương thông tin
hiện nay, ngành chăn nuôi heo tiếp tục đứng trước khó khăn, đặc biệt là các rào
cản xuất khẩu: truy xuất nguồn gốc thịt heo, kiểm dịch động vật, chất lượng vệ
sinh an toàn thực phẩm; giá xuất khẩu của heo Việt Nam cao hơn các nước nên khả
năng cạnh tranh kém. Để đưa ngành chăn nuôi heo vượt qua khó khăn, tỉnh xây dựng
chuỗi giá trị con heo. Theo đó, người dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn huyện cho biết hiện đàn heo giảm 40%. Trong chuỗi giá trị heo
còn kẽ hở, đang bỏ đi nhiều phụ phẩm của con heo, trong đó có phân hữu cơ. Bình
quân, đàn heo trên địa bàn huyện cho ra khoảng 100 ngàn tấn/năm. Huyện đang xây
dựng chuỗi liên kết theo hướng doanh nghiệp cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu
ra. Về phía Nhà nước, cần có trung tâm thông tin về thị trường hàng hóa, định
hướng, dự báo để người dân truy cập, nắm bắt kịp thời hơn.
Nhìn chung, các giải pháp trên chưa có gì mới. Người nuôi
và các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay để tìm hướng đi tích cực cho ngành
chăn nuôi heo đang rơi vào khó khăn hiện nay.