Lợi ích chiến lược từ Lễ hội Dừa

09/05/2019 - 21:49

Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ 14 đến 18-11-2019, do UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.

Bến Tre xác định cây dừa là “Cây của sự sống”, cây “chiến lược” công - nông nghiệp của tỉnh cũng như cây của quốc gia. Thời gian qua, mặc dù trải qua bao thăng trầm nhưng sự phát triển của ngành dừa đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Thực tế cũng cho thấy, sản phẩm từ dừa là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đóng góp quan trọng trong chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và đóng góp đáng kể vào ngân sách.

Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài, hạn hán và lũ lụt bất thường là mối đe dọa cho những vùng đồng bằng ven biển, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong điều kiện nhất định, cây dừa được đánh giá là cây có khả năng chống chịu được các nguy cơ trên, là cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai, nhất là cho vùng đồng bằng thấp ven biển.

Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019 là cơ hội khuyến khích nông dân trồng dừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư trồng dừa. Các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhằm đa dạng mẫu mã, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Lễ hội Dừa còn là cơ hội để tỉnh xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển du lịch trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại lợi ích thật sự, góp phần tăng chuỗi giá trị cây dừa của địa phương, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.

C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN