Lồng ghép Chương trình quốc gia Việt Nam - IFAD vào chương trình xây dựng nông thôn mới

09/08/2011 - 15:51

Hội nghị kiểm điểm hàng năm tình hình thực hiện chương trình hợp tác Việt Nam - IFAD vừa được tổ chức từ ngày 3 đến 5-8-2011, tại Ninh Thuận. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan của Chính phủ, ban chỉ đạo của các dự án IFAD, ban quản lý dự án IFAD của 12 tỉnh và nhà đồng tài trợ GIZ, Luxembourg, đại diện nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp của các tỉnh: Trà Vinh, Hà Tĩnh, Ninh Thuận.

Hội nghị nhằm tổng kết hoạt động giai đoạn 2010-2011 của chương trình hợp tác quốc gia VN - IFAD (COSOP); chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan về hiệu quả quản lý các dự án IFAD, các định hướng trong hợp tác với IFAD để phát triển mô hình hợp tác công tư, phát triển nông thôn mới; dự thảo cho COSOP giai đoạn 2013-2018.

Theo đánh giá của COSOP, giai đoạn 2010-2011, hiệu quả quản lý các dự án IFAD của các tỉnh được cải thiện tốt. Hiện nay, năng lực cấp xã trong vai trò chủ đầu tư được nâng cao. Cấp xã không chỉ thực hiện cơ sở hạ tầng mà còn tổ chức số lượng lớn các hoạt động nâng cao năng lực, dịch vụ khuyến nông. Các nhà đồng tài trợ có vai trò tích cực trong hỗ trợ các dự án IFAD. Đặc biệt, sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng trong thành công của các dự án.

Hội nghị đã thảo luận và đưa ra khung COSOP cho giai đoạn 2013-2018. Theo đó, COSOP  tiếp tục tập trung vào nhóm đối tượng nghèo, phụ nữ và dân tộc thiểu số, đặc biệt sẽ nhắm tới các nhóm cận nghèo (nhóm có thu nhập chưa ổn định, dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế); nhân rộng cách tiếp cận giảm nghèo nông thôn theo định hướng thị trường, với các hoạt động chủ yếu: tiếp tục phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, tăng cường hiệu quả quản lý trong ngành nông nghiệp (không tập trung nhiều cho kỹ thuật sản xuất như chủ trương của IFAD trước đây), liên kết và hành động tập thể qua các nhóm cùng sở thích (CIG) có người nghèo tham gia, liên kết với khu vực tư và thúc đẩy phát triển kỹ năng cho doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp phi nông nghiệp nông thôn, giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng đã thảo luận và đề xuất một số nội dung mà các dự án IFAD có thể lồng ghép phối hợp và áp dụng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Một số nội dung được đề xuất lồng ghép như lập kế hoạch tổng thể hàng năm (kinh phí dự án IFAD là một phần trong tổng nguồn lực để phát triển nông thôn mới); phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư trong xây dựng qui hoạch tổng thể nông thôn mới của xã mình và trên cơ sở huy động sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch; rút ra các bài học kinh nghiệm của dự án để áp dụng cho chương trình nông thôn mới (thực hiện tốt quy chế dân chủ trong huy động sức dân, thực hiện quy chế đánh giá và giám sát cộng đồng trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, quy chế vận hành khai thác và quản lý sau đầu tư); tổ chức sản xuất trên cơ sở tổ nhóm (người nghèo và không nghèo cùng tham gia) để thuận lợi trong giảm chi phí đầu vào và tăng cơ hội tiếp cận thị trường giúp sản xuất hiệu quả và bền vững hơn.

Theo dự kiến, trong giai đoạn 2013-2018, IFAD sẽ tiếp tục cho Chính phủ Việt Nam vay 150 triệu USD để thực hiện các dự án phục vụ cho mục tiêu chiến lược quốc gia về kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nông thôn mới.

D.H.M

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN