Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) vừa tổ chức tập huấn tuyên truyền viên Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho đại diện các công đoàn cơ sở trực thuộc và cán bộ, công chức LĐLĐ tỉnh.
Báo cáo viên Đặng Thị Kim Cương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cho rằng, phần lớn bạo lực gia đình xảy ra đối với phụ nữ. Các chị xem đây là chuyện của gia đình nên cam tâm, âm thầm chịu đựng. Theo kết quả nghiên cứu của Hội Phụ nữ, có từ 40-50% phụ nữ bị bạo lực. Nghiên cứu của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, 23% số gia đình được hỏi cho biết có hành vi bạo lực về thể chất, 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần và 30% cặp vợ chồng xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao trong 5 năm (2000-2005), tòa án địa phương giải quyết 352.047 vụ việc về hôn nhân, gia đình, trong đó gần 200.000 vụ ly hôn do bạo lực gia đình, hành vi đánh đập, ngược đãi. Trên toàn quốc, cứ 2-3 ngày lại có 1 người chết liên quan đến bạo lực gia đình.
Tại kỳ họp thứ 10 khóa XI, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Luật có 6 chương, với 44 điều, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nam, nữ; đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc cụ thể hóa và thực hiện công ước quốc tế về quyền con người và bình đẳng mà Việt Nam là thành viên. Luật Bình đẳng giới đã khẳng định: nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của bản thân cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và hưởng thụ như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Người bị bạo lực gia đình phải mạnh dạn báo cơ quan chức năng để được can thiệp, bảo vệ kịp thời. Qua buổi tập huấn, học viên sẽ vận dụng những kiến thức đã học về phổ biến lại trong tổ chức, để Luật được thực hiêỉn nghiêm túc.