Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân - thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước

27/07/2015 - 07:15

Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) số 63/2014/QH13 và Nghị quyết số 82/2014/QH13 về việc thi hành Luật Tổ chức Viện KSND được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24-11-2014. Với 6 chương, 101 điều, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 đã tiếp tục khẳng định rõ hơn vị trí của Viện KSND là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời có nhiều nội dung mới so với luật hiện hành.

Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 khẳng định rõ hơn vị trí của Viện KSND là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Luật quy định, Viện KSND thực hành quyền công tố trong các giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, trong tương trợ tư pháp về hình sự. Viện KSND thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, do Luật hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa rõ nên Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 đã bổ sung các quy định về kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kiểm sát trong giai đoạn truy tố; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 đã làm rõ nội dung các khâu công tác và bổ sung quy định về các công tác phục vụ thực hiện chức năng của Viện KSND. Luật đã phân định lại một cách rõ ràng, hợp lý, cụ thể các khâu công tác thực hiện chức năng gồm: thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự; THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; THQCT và kiểm sát xét xử vụ án hình sự; công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; THQCT và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND trong từng khâu công tác; bổ sung quy định và phân biệt rõ các công tác phục vụ thực hiện chức năng gồm thống kê tội phạm; nghiên cứu khoa học; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế; phổ biến, giáo dục pháp luật.

H.Đ (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN