Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga rút khỏi khu vực Nagorny-Karabakh

18/04/2024 - 05:35

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã bắt đầu rút quân và đó là lần đầu tiên binh lính cũng như các trang thiết bị quân sự không còn xuất hiện tại một tu viện ở quận Kalbajar của Azerbaijan.

Binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới Azerbaijan. (Ảnh: AFP/TTXVN))

Binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới Azerbaijan. (Ảnh: AFP/TTXVN))

Ngày 17-4, Điện Kremlin cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã bắt đầu rút khỏi khu vực Nagorny-Karabakh, kết thúc đợt triển khai kéo dài nhiều năm tại đây.

Người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận: “Đúng, điều đó thực sự đúng.”

Theo hãng thông tấn APA của Azerbaijan, cuối ngày 16-4, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã bắt đầu rút quân và đó là lần đầu tiên binh lính cũng như các trang thiết bị quân sự không còn xuất hiện tại một tu viện ở quận Kalbajar của Azerbaijan. Thay vào đó là sự hiện diện của các sỹ quan cảnh sát Azerbaijan.

Hai nước Azerbaijan và Armenia đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia.

Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorny-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không thể hạ nhiệt được xung đột tái diễn.

Vào tháng 11-2020, Nga đã triển khai khoảng 2.000 binh lính của lực lượng gìn giữ hòa bình cùng 90 xe bọc thép và 380 phương tiện, cũng như nhiều thiết bị khác tới khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh sau khi Armenia và Azerbaijan đồng ý với một thỏa thuận do Moskva làm trung gian nhằm chấm dứt nhiều tuần giao tranh ác liệt.

Tuy nhiên, vào tháng 9-2023, Azerbaijan bất ngờ giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Nagorny-Karabakh sau chiến dịch tấn công thần tốc. Gần như toàn bộ 100.000 người sắc tộc Armenia tại đó đã phải di tản sang Armenia.

Kể từ tháng 2 năm nay, thông qua vai trò trung gian của Đức, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa 2 nước này.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết
Từ khóa NgaNagorny-Karabakh

BÌNH LUẬN