Ly hôn và những hậu quả sau ly hôn

11/12/2022 - 17:51

BDK - Theo thống kê của cơ quan chức năng, số vụ ly hôn ở các địa phương trên cả nước ngày càng gia tăng, khoảng 60 ngàn vụ/năm. Trên địa bàn tỉnh, năm 2022 (từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022), Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh và huyện thụ lý hơn 4,6 ngàn vụ án hôn nhân và gia đình (HN&GĐ), đã giải quyết trên 4,5 ngàn vụ. Ly hôn ở những đôi vợ chồng trẻ đang là vấn đề xã hội quan tâm.

Khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Về quan hệ nhân thân của vợ chồng, theo quy định tại Điều 57 Luật HN&GĐ: “Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Về quan hệ tài sản của vợ chồng khi ly hôn, theo Điều 59 Luật HN&GĐ quy định, khi ly hôn do các bên thỏa thuận để chia tài sản chung của vợ chồng; nếu không thỏa thuận được, họ có thể yêu cầu tòa án chia tài sản. Về quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái, việc ly hôn chỉ làm chấm dứt quan hệ giữa vợ và chồng; không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con. Sau ly hôn, cha hoặc mẹ phải thực hiện nghĩa vụ và quyền của người không trực tiếp nuôi con theo Điều 82 Luật HN&GĐ.

Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn như các cặp vợ chồng trẻ do còn bồng bột, kết hôn sớm và khi xảy ra mâu thuẫn thì không biết cách giải quyết. Đa số các đôi vợ chồng trẻ thường chưa có sự chuẩn bị hoàn hảo về cuộc sống hôn nhân - gia đình, chưa có việc làm ổn định lâu dài và điều kiện kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ hai bên. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như do bạo lực gia đình hay do ngoại tình, ghen tuông hoặc mâu thuẫn về kinh tế, công việc…

Trường hợp của anh H và chị P (Châu Thành), cả hai kết hôn khi tuổi vừa tròn 22 và cùng là công nhân của một cơ sở sản xuất. Anh chị đã có thời gian sống hạnh phúc bên nhau cùng với đứa con trai kháu khỉnh chào đời. Khi con của anh chị được 6 tuổi thì anh H bị bệnh khớp không thể lao động nặng được, cuộc sống gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Gánh nặng đè trên vai của chị P. Cha mẹ đôi bên đều nghèo nên không giúp đỡ cho anh chị được. Chị P thường đi sớm về muộn, anh H tính tình hay ghen… Cuối cùng, anh và chị đã ly hôn. Anh H được quyền nuôi con và không yêu cầu chị P đóng góp tiền nuôi con, anh cùng con trai dọn về ở nhà cha mẹ ruột. Căn nhà nhỏ của anh chị được bán để chia đôi cho mỗi người một nửa. Thỉnh thoảng chị P ghé thăm con…

Thực tế, đa số các vụ ly hôn đều để lại những hậu quả không hay, thường xảy ra đối với những cặp vợ chồng đã có con rồi chia tay nhau. Nếu trẻ em may mắn có điều kiện được chăm sóc và học tập thì sẽ trở nên thành đạt. Trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự chăm sóc của cha hoặc mẹ thì bị hụt hẫng rất nhiều thứ, rất nhiều trẻ em gái đã bị xâm hại; cũng có nhiều trẻ em vi phạm pháp luật, thậm chí đã trở thành tội phạm (ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích…). 

Mong rằng, trước khi kết hôn, mỗi đôi nam nữ yêu nhau cần có suy nghĩ chín chắn và chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho một gia đình mới, để tránh những hậu quả không mong muốn sau ly hôn.

Huỳnh Trâm

Chia sẻ bài viết
Từ khóa ly hôn

BÌNH LUẬN