Đó là trước khi có Đảng, Bến Tre đã xuất hiện một mạch nguồn
báo chí nhân văn đáng tự hào và trân trọng bởi những tên tuổi: Nguyễn Đình Chiểu,
Trương Vĩnh Ký, Sương Nguyệt Anh, Lương Khắc Ninh, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Trung
Nguyệt… Những ký giả, thi sĩ, chủ bút và những tờ báo ấy không chỉ có ảnh hưởng
lớn cả vùng đất Nam kỳ về thông tin, nâng cao dân trí, mà còn bởi dòng tư tưởng
chủ đạo tiêu biểu nhất vẫn là khơi dậy mạnh mẽ, làm bùng cháy lòng yêu nước
thương nòi, đứng lên đánh đuổi ngoại bang, hướng về một tương lai độc lập, tự
do, dân chủ, cơm no áo ấm.
Và cũng trên mảnh đất này, ngay sau khi thành lập Đảng
(năm 1930), tuy chưa có tờ báo nhưng phương thức tổ chức tuyên truyền, cổ vũ
nhân dân đứng lên làm cách mạng đã là hoạt động báo chí. Rồi không lâu sau đó,
khi thành lập Tỉnh ủy thì đến tháng 5-1931, Bến Tre chính thức có tờ báo Đảng
do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sáng lập và làm chủ bút.
Như vậy, nếu nối mạch nguồn lịch sử, báo chí cách mạng Bến
Tre đã hình thành và phát triển gần 90 năm. Trong suốt chặng đường lịch sử ấy,
báo chí cách mạng của Bến Tre có sự đồng hành vẻ vang cùng với Đảng bộ và nhân
dân tỉnh nhà viết nên những trang sử oai hùng của quê hương. Tuy tên gọi, nhiệm
vụ cụ thể từng lúc khác nhau nhưng tôn chỉ mục đích của tờ báo vẫn là cơ quan
ngôn luận của Đảng bộ và diễn đàn của nhân dân. Chúng ta có thể đồng cảm và nhất
quán một điều: Tuy sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tờ báo Đảng
mang tên Chiến Thắng được đổi thành Báo Đồng Khởi, nhưng ý chí và khí phách Đồng
Khởi đã là linh hồn của tờ báo Đảng từ ngày mới thành lập bởi tính chiến đấu
kiên cường, là ngọn đuốc soi đường cho những phong trào cách mạng của Bến Tre.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cũng như cả dân tộc, nhân dân Bến Tre đấu tranh vì
khát vọng cao cả hòa bình, thống nhất, nhưng trước âm mưu, thủ đoạn và tham vọng
độc ác của kẻ thù, ta phải cầm vũ khí đứng lên với ý chí quyết chiến và quyết
thắng. Khái niệm Đồng Khởi lần đầu tiên cô Ba Định nêu ra tức đồng lòng, đồng
loạt khởi nghĩa chính là nội hàm của cuộc cách mạng tức nước vỡ bờ, dời non lấp
biển. Trong cơn lốc cách mạng ấy, tờ báo - tiếng nói của Đảng bộ thật xứng đáng
và đáng tự hào là ngọn đuốc soi đường để toàn dân đứng lên đập tan xích xiềng nô
lệ, giành lấy độc lập tự do. Cho nên hôm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày Báo
Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi chính là để đánh dấu bước trưởng thành
đi lên của tờ báo của Đảng bộ tỉnh trong hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
chứ thực ra trước đó tờ báo đã mang trong mình tinh thần Đồng khởi. Và chắc chắn
sau này tinh thần Đồng khởi của tờ báo Đảng Bến Tre vẫn trường tồn bất hủ.
Đồng hành cùng các binh chủng trên mặt trận chính trị, tư
tưởng gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, Hội Nhà báo Bến Tre cũng hình
thành khá sớm, trở thành mái nhà chung cho những người làm báo. Ra đời sớm và
được các nhà báo lão thành như Huỳnh Năm Thông, Phạm Công Nhân… dìu dắt nên Hội
Nhà báo Bến Tre luôn vững mạnh, đề ra những hoạt động hữu ích cho báo giới, luôn
hâm nóng tinh thần “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” cho các thế hệ làm báo nối
tiếp chí khí Nam Bộ thành đồng. Giải báo chí Sương Nguyệt Anh là một điểm nhấn.
Những năm làm báo Đảng địa phương, tôi thường đem tờ báo
Đồng Khởi ra dẫn chứng sinh động để trao đổi nghiệp vụ với anh em trong tòa soạn.
Đó là văn phong ngắn gọn, mộc mạc, dễ đọc, dễ hiểu và có chiều sâu. Nể nhất là
sức chở hay còn gọi là sức chuyển tải của từng trang báo. Cũng với kích cỡ, diện
tích ấy nhưng tờ báo Đồng Khởi có dung lượng lớn, giàu thông tin bởi nhiều đề mục,
đầu bài mà không nhàm chán bởi biết năng động, phối hợp hài hòa các thể tài. Thật
ra cách nay gần 40 năm tôi nể phục và học hỏi ở anh Văn Thanh - nguyên Tổng
biên tập Báo Đồng Khởi, đã nghỉ hưu - khi chúng tôi cùng học lớp báo chí của
Trường Tuyên huấn Trung ương. Mãi đến sau này, khi tiếp cận Lịch sử báo chí Bến
Tre tôi mới ngộ ra một điều: Thì ra tiền bối “bọc lót” cho thần tượng Văn Thanh
của tôi lại là những nhà báo lão luyện cả cái tâm lẫn cái tầm. Đó là vốn quý mà
những thế hệ làm báo Bến Tre có được và có trước nhiều nơi khác. Cho nên trang
bị đầy đủ và hiện đại hóa cho báo chí trong điều kiện kinh tế còn khiêm tốn đã
khó nhưng không khó bằng trang bị bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ tinh thông.
Còn cái tâm và cái tầm nữa, muốn có được có khi phải đánh đổi cả cuộc đời - đem
cả cuộc đời phấn đấu, phụng sự thì mới may ra. Bây giờ muốn viết những bài báo
như của mấy ông già mặc bà ba đen, quấn khăn rằn viết báo trong mùng, dưới ngọn
đèn leo lét mà cả triệu người đọc đều mê rồi xả thân tranh đấu đâu phải dễ. Cho
nên, chúng tôi, những người làm báo thuộc thế hệ hậu duệ ray rứt và trăn trở nhất
vẫn là viết như thế nào để được quần chúng nhân dân đón nhận - ánh sáng đường lối
của Đảng vì thế đi vào cuộc sống.
Khi nói về tinh thần cách mạng tiến công của Báo Chiến Thắng
và Báo Đồng Khởi, tôi nhớ hôm Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre lần thứ VIII,
nhiệm kỳ 2015 - 2020, một đồng nghiệp báo chí tham luận có đề cương: “Liệu có
vùng cấm trong hoạt động báo chí?”. Hôm đó không có cơ hội được trao đổi, nay
tôi xin ghé qua để chia sẻ đôi điều. Vùng cấm nêu trong tham luận đó như là
trách móc có ai đó cấm “đâm mấy thằng gian” vậy. Thật ra tôi chưa thấy, chưa
nghe một văn bản nào của cấp ủy hay lãnh đạo cấp trên nói về vùng cấm. Mà tôi
chỉ thấy trong nghề báo của mình đôi lúc còn nông nổi, chưa cân nhắc giữa cái
nhỏ và cái lớn, cái riêng lẻ và toàn cục, cái hiện tượng và bản chất, có cái cần
nói và phải nói nhưng không phải lúc này, có cái chỉ nên nói ngần ấy thôi… Hồi
mới làm phóng viên, tôi đã từng xé toạc bài báo trước Tổng biên tập vì tôi viết
sự thật 100% mà không được đăng, suy nghĩ lại mới thấy mình nông nổi và xấu hổ.
Cho nên vùng cấm có hay không là ở chính mình. Nhà báo phải
có ý thức cho mình vùng cấm. Lương tâm nghề nghiệp định đoạt cho ta vùng cấm.
Đó là bản lĩnh. Cái gì bất lợi cho Đảng, cho dân, cho sự nghiệp chung của dân tộc,
cái gì trái với đạo lý làm người, trái với thuần phong mỹ tục phải chăng đó là
vùng cấm mà ta phải tránh.
Với chí khí “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, tôi nghĩ
ngoài vùng cấm ấy không còn vùng cấm nào khác. Với tinh thần cách mạng tiến
công hàm chứa trong tinh thần Đồng khởi càng không có một vùng cấm nào cả. Khi
thốt lên hai tiếng Đồng khởi là ta nhớ tới chân lý “Chở bao nhiêu đạo thuyền
không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Là người con của quê hương Bến Tre, là đồng nghiệp, tôi chỉ nói những điều vượt gan, có
gì chưa phải xin các đồng chí lượng thứ. Có thể khẳng định rằng, Đảng bộ Bến
Tre quyết định lấy hai chữ Đồng Khởi đặt tên cho tờ báo Đảng là một lần nữa khẳng
định truyền thống vẻ vang, tinh thần tiến công và sự đồng lòng vượt lên khó
khăn, thử thách để giành chiến thắng của quê hương xứ Dừa anh hùng. Mang tên Đồng
Khởi, tờ báo tự hào bao nhiêu càng thấy trọng trách của mình bấy nhiêu.
Chúc các đồng nghiệp Báo Đồng Khởi luôn vững niềm tin với
tinh thần Đồng khởi, góp sức cho quê hương Bến Tre ngày thêm giàu đẹp. Kính
chúc quý lãnh đạo tỉnh, các nhà báo cách mạng lão thành và các đồng nghiệp dồi
dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.