Theo dự kiến của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, sau khi tổng kết việc thực hiện các kế hoạch liên tịch đẩy mạnh công tác TDTT 5 năm, giai đoạn 2006 – 2010, với 12 sở, ban ngành đoàn thể cấp tỉnh, gồm Giáo dục & Đào tạo, Lao động, Thương binh &Xã hội, Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh & Truyền hình, Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCSHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Người cao tuổi tỉnh Bến Tre, đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thể thao VN 27-3, các kế hoạch tương tự cho giai đoạn 2011 - 2015 sẽ được các bên tiếp tục ký kết nhằm mở ra một thời kỳ phát triển mới cho hoạt động TDTT quần chúng trong các lực lượng xã hội ở tỉnh.
Để có được những kết quả đáng được biểu dương và nhân rộng, nhìn lại sự phối hợp theo mô hình này trong chặng đường 5 năm qua, những phía có trách nhiệm thấy gì?
Nơi nào có “thóc”, ắt nơi đó sẽ có... bồ câu!
Điều dễ cảm nhận mà nơi nào cũng đã thể hiện rõ, đó là mô hình liên kết luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo hai phía ký kết, sự chủ động tham mưu, đề xuất của cấp chuyên viên trong việc thực hiện kế hoạch trong từng năm. Trong điều kiện sân bãi tập luyện và thi đấu còn nhiều thiếu thốn so với nhu cầu nhưng hiện không ít cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã cố gắng khắc phục để tạo nên những sân bãi đơn giản, dễ làm, chiếm diện tích không đáng kể trong khuôn viên, ít tốn kém kinh phí... để đáp ứng cho nhu cần của người tập.
Ngoài buổi sáng sớm số người tự giác tham gia đi bộ, tập dưỡng sinh, đá cầu, chạy bộ hoặc bơi phổ thông (ở một số nơi có điều kiện như TP Bến Tre)..., thì cứ mỗi chiều, nếu chịu khó dạo một vòng, quanh các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh, TP Bến Tre cho đến các huyện sẽ thấy toát lên sức sống của phong trào tập luyện thể thao, phổ cập nhất là các môn bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, thể dục nhịp điệu, thể dục thẩm mỹ không chỉ ở các cơ quan, đơn vị, trường học mà còn lan tỏa ra hệ thống các nhà tập của tư nhân, các công viên. Không đâu xa, tọa lạc ở tòa nhà khá bề thế tại nơi được xem là đắc địa nhất trong “khu đất vàng” giữa trung tâm TP Bến Tre, mặc dù phải ken dày đặc các phòng ốc làm việc nhưng cơ quan Báo Đồng Khởi vẫn dành một nơi khá thoáng mát ở tầng ba, bố trí bàn bóng bàn cho anh chị em trong đơn vị tập luyện vì sức khỏe, tái tạo sức lao động và còn để tổ chức thi đấu giao lưu với các đơn vị, địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhiều người trong các lực lượng xã hội - từ các cụ cao niên cho đến thanh thiếu niên - học sinh và những tầng lớp khác, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, giàu hay nghèo đều đã nhận thức được những lợi ích mang lại nhờ rèn luyện thân thể thường xuyên cho bản thân, từ đó họ đã tự giác, tích cực tham gia tập luyện và thi đấu TDTT ngày càng nhiều hơn, hình thức phong phú đa dạng hơn. Bên cạnh đó, từ hiệu ứng tích cực này, công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT đã được các ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện ngày càng tốt hơn. Hiện có rất nhiều cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia tài trợ cho các hoạt động thể thao với phương thức đôi bên cùng có lợi.
Còn đó không ít vướng mắc với những nguyên nhân khác nhau
Tuy đạt được những thành tựu quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe của số đông người tham gia, nhưng một số sở, ban ngành, đoàn thể vẫn chưa xây dựng được chương trình hoạt động cụ thể trong tiến độ thực hiện kế hoạch một cách có trọng tâm, trọng điểm giữa năm thường và năm có những sự kiện lớn của từng ngành, nhằm có thể giúp hai phía xác định được quy mô, kinh phí cần huy động. Việc đầu tư ở nhiều thời điểm còn tỏ ra vừa manh mún, vừa dàn trải kém hiệu quả, có đơn vị còn chưa xác định được loại hình nào có nhiều hoặc ít người tham gia nên khi tổ chức hoạt động thi không còn phù hợp, lãng phí thời gian, công sức.
Riêng đối với cơ quan đóng vai trò chủ lực trong mối tương tác này là ngành văn hóa, thể thao và du lịch, việc phân công hai đơn vị trực thuộc Sở là Phòng Nghiệp vụ TDTT và Trung tâm Huấn luyện & Thi đấu TDTT theo dõi và tổ chức thực hiện các kế hoạch liên lịch là hợp lý. Tuy nhiên, đôi lúc sự phối hợp giữa phía đề ra chương trình hoạt động từng năm và phía tổ chức thực hiện trực tiếp còn chưa... trùng nhịp bước và thiếu đồng bộ, đặc biệt là hàng năm chưa chủ động tổ chức đánh giá sơ kết và rút kinh nghiệm chung nhằm có thể tham mưu giúp lãnh đạo hai đơn vị chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn ở năm sau.
Thử tìm nguyên nhân để có thể định ra các giải pháp căn cơ, hợp lý!
Có một thực tế không thể chối cãi, rằng các cán bộ phụ trách theo dõi việc thực hiện các kế hoạch phối hợp tuy tương đối năng động, sáng tạo nhưng nhìn chung trong 5 năm qua, chính sự biến động, thay đổi về nhân sự của lực lượng này - chủ yếu là ở khối các đoàn thể, đã khiến công việc chung đôi lúc bị gián đoạn. Hơn nữa, do thiếu người, nhiều nơi thường bố trí cán bộ kiêm nhiệm nên năng lực tham mưu về lĩnh vực TDTT phần nào bị hạn chế. Bên cạnh đó, cái khó lớn nhất vẫn là kinh phí dành cho mảng hoạt động TDTT quần chúng trong nhiều năm qua tăng không đáng kể, trong khi nhu cầu luyện tập và thi đấu của các lực lượng xã hội phát triển nhanh chóng. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa công tác TDTT của nhiều ngành, đoàn thể chưa tương xứng với tiềm năng. Chưa hết, hệ thống sân bãi, tài liệu chuyên đề, luật thi đấu... nhằm nâng cao kiến thức phục vụ việc tập luyện, thi đấu; rồi lực lượng trọng tài, hướng dẫn viên, huấn luyện viên cấp cơ sở... vẫn còn nhiều thiếu thốn, phần nào đã làm nhiều nơi lúng túng trong việc tổ chức thực hiện.
Hy vọng từ những thành quả bước đầu này, tới đây các phía có liên quan sẽ cùng nhau rà soát các vấn đề để có cách đánh giá khách quan, từ đó đề ra phương hướng nhiệm vụ và nhất là có các giải pháp đồng bộ, nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới cho phong trào TDTT quần chúng ở Bến Tre trong giai đoạn tiếp sau.