Ghép cây giống. Ảnh: Nguyễn Dừa
Ðám chị em nhà tôi phụ hợ ngoại, má thì ít, chỉ biết ăn vụng mứt mà còn thấy ôi thôi là mệt! Tuy còn rất nhỏ nhưng thú vui của chị em chúng tôi là xớ rớ quanh người lớn để được cho tỉa tót miếng bí hay trái đu đủ thành bông hồng hoặc bông trang hoặc bông lài rồi đem nhuộm cho đúng màu bông. Má đem một hộp phẩm màu bày lên trên bộ ván, bên cạnh những cánh hoa hồng, hoa thược dược, hoa lài, hoa trang mới vừa được tỉa xong. Thành ra, Xuân chưa tới thềm nhà mà Tết đã tràn về bề bộn trên bộ ván gõ và trên 10 ngón tay lem luốc phẩm màu của chị em chúng tôi.
Má biểu tôi lấy cái chén sứ trắng, rót vô vài muỗng nước rồi lấy ống phẩm màu xanh lá cây rắc nhẹ vào nước xem đậm lợt ra sao. Màu vàng, màu đỏ thì nhìn thấy rõ rồi, còn màu xanh lá cây thì không rõ như thế nào vì ống phẩm sậm màu quá không thể nhìn ra. Tôi hỏi: “Màu xanh lá cây là màu gì vậy Má?” Má tôi lựa ra cái ống màu thật đậm, đem ra sáng coi cho rõ rồi nói: “Ðây là màu xanh lá cây, con rắc màu này vô chén. Nếu con muốn màu xanh đọt chuối thì pha thêm vô một chút màu vàng, còn nếu muốn màu xanh lá mạ thì ít vàng hơn nữa, còn muốn màu xanh như lá mận, lá nhãn trước nhà mình thì để nguyên không pha thêm màu”. Ôi! một màu mát rượi tan dần trong chén sứ và trong mắt tôi thơ trẻ. Rồi Má đem chiếc lá tỉa từ miếng đu đủ, nhúng vào chén màu để làm thành chiếc lá thật và gắn vào bông hường, bông trang vàng.
Ngạc nhiên chưa? Má có thể chế tạo nên màu xanh, một màu thân quen như hơi thở đến nỗi nó ở quanh mình mà như chưa bao giờ tồn tại cho đến khi tôi thấy Má tôi hòa màu xanh vào trong vườn nhà. Hóa ra, Má tôi đã là “họa sĩ” bẩm sinh dạy tôi bài học đầu đời pha màu cho sự sống.
Hơn nữa, Má tôi còn dạy tôi ươm mầm lộc biếc, chồi non cho những cành hoa đương xuân.
Vào những ngày hè, buổi trưa rỗi rảnh, Má dạy chị em chúng tôi thêu mặt áo gối. Mẫu thêu sở thích của Má là một cành hoa - hoa mai, hoa sen hoặc hoa cúc nhưng nhất thiết phải có con chim đậu trên cành cây như sắp tung cánh. Má dạy phải lựa loại chỉ màu hường tươi để thêu bông hồng, còn thêu bông mai thì phải màu vàng hoàng yến. Rồi tới phần ngọn, Má dạy điểm một ít chồi non bằng sợi chỉ màu xanh đọt chuối. Má nói sợi chỉ thêu có xanh đậm, xanh lợt, phải lựa màu cho đúng thì cành hoa mới ăn màu, mới tươi.
Màu xanh là do Má tôi dạy. Sau này, đọc Cung oán ngâm khúc, tôi mới biết có một màu gọi là thúy - tức là màu xanh lá, thật thẫm.
“Tiếng thúy điện cười già ra gắt
Mùi quyền môn thắm rất nên phai”
Quả thật, khi làm mứt hay thêu thùa, Má tôi đều đảm nhận vai trò nhà họa sĩ mô phỏng thiên nhiên bằng con mắt tinh tường. Bà đã dệt gấm thêu hoa, đem rải trong vườn xuân nâng bước chúng tôi vào đời.
***
Giải Nobel y học năm 2016 trao cho nhà bác học người Nhật Yoshinori Oshumi, người đã có công giải thích cơ chế sinh học đằng sau chu kỳ sinh diệt của tế bào trong cơ thể con người. Ðây là một công trình khoa học tao nhã được giới chuyên môn ngưỡng mộ. Giải thưởng ghi nhận khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào, tên tiếng Anh là macroautophagy, nhưng thường gọi tắt là autophagy. Khái niệm autophagy được dịch là “tự thực”. Cơ chế “tự thực” là một cơ chế cơ bản của việc phân hủy và tái chế các thành phần của tế bào. Theo giải thích của tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, trong thực tế sinh học, tất cả chúng ta đều sống và chết trong một giây. Một ví dụ tiêu biểu là trong xương chúng ta có hai loại tế bào lúc nào cũng làm việc song hành, một loại tế bào chuyên đục xương cũ (gọi là tế bào hủy xương), và sau đó một loại tế bào khác lấp vào đó những xương mới (tế bào tạo xương). Quy trình hủy diệt và sinh mới này diễn ra liên tục. Cứ mỗi 10 năm chúng ta có một bộ xương mới hoàn toàn.(!)
Vâng, bình tĩnh một chút, chúng ta sẽ nhận ra rằng ông Yoshinori Oshumi đang nói về sự sinh tồn, sự tái chế siêu đẳng của thiên nhiên. Nhưng không chỉ tạo hóa mới có sự tái sinh. Con người cũng đóng vai trò tái chế như thiên nhiên bằng cách tạo tác những mảng màu xanh cho cuộc sống. Chúng ta không thể không liên tưởng đến những nhà nông học và những nhà vườn ở Cái Mơn - họ đang âm thầm nhân bản cây giống để có thể tạo ra trong cùng một thời điểm, hàng loạt cây mới được tái sinh từ cây mẹ. Sự trao truyền này được duy trì qua nhiều thế hệ với tinh thần tận tụy, sáng tạo, khoa học. Những cây giống ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm của Mã lai, Thái Lan được nhà bác học Trương Vĩnh Ký mang về trồng tại Cái Mơn từ giữa thế kỷ XIX. Tuy nhiên, để miền đất Cái Mơn trở thành “thủ phủ” của nghề ghép cây giống như hiện nay chính là nhờ công lao của những người biết nhân bản từ cây mẹ mà từ ngữ chuyên môn hiện nay gọi là cây đầu dòng. Theo sự khảo sát của kỹ sư Ðỗ Công, khởi phát nghề ghép cây giống ở Cái Mơn là ông Phạm Văn Thành. Ông Thành được cha mình từng là công nhân đồn điền cao su dạy cho cách ghép bo da (lấy mắt lá ghép vào gốc đã được mở ô hình chữ nhật).
Lúc đầu ghép cây là nghề “bí truyền”, dần dần được lan rộng trong toàn xã. Theo thời gian, nghề dạy nghề. Từ chỗ chỉ biết ghép bo da, chiết cành, hiện nay, nhà vườn Cái Mơn biết thêm nhiều kỹ thuật mới như: ghép cành, ghép đọt, ghép xương. Từ thực tiễn sản xuất, nhà vườn Cái Mơn đã nhận thấy ưu, nhược điểm của các cách ghép: ghép bo cho sự tiếp hợp tốt nhưng lên chồi chậm, ghép xương tạo sự tiếp hợp rất tốt nên nẩy chồi nhanh, ghép đọt mầm phát triển nhanh trong điều kiện phải giữ ẩm cho đọt, ghép cành tốn nhiều công và cho tỷ lệ sống cao.
Từ nghề ghép cây ăn trái, nhà vườn đã phát triển tay nghề cao hơn nữa trong kỹ thuật ghép cây kiểng như bông giấy, sứ, xương rồng. Ðặc biệt là ghép mai vàng nhiều cánh đã tạo nên giá trị kinh tế cao cho vùng hoa kiểng Cái Mơn - Chợ Lách.
Nhìn lại thuở ban đầu, kỹ thuật ghép cây giống chỉ là để phục vụ mục đích nhân cây giống trồng tại vườn nhà, dần dần nó đã trở thành một nghề truyền thống đem lại lợi nhuận không nhỏ cho người dân địa phương. Hiện nay, huyện Chợ Lách đã trở thành “vương quốc” cây giống của Việt Nam với con số kỷ lục: sản xuất hàng năm trên 38 triệu cây giống các loại. Từ chỗ một hạt sinh ra một cây, một cây mẹ sinh ra một cây con, hiện nay, bàn tay vàng của những nhà vườn Cái Mơn đã có thể nhân bản hàng loạt từ những cây đầu dòng. Làng nghề cây giống Cái Mơn đã thật sự đi vào sản xuất hàng hóa với quy mô lớn và thị trường rộng mở trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, toàn huyện Chợ Lách có trên 100 cây đầu dòng, hơn 5 ngàn hộ chuyên nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng. Nhiều gia đình có đến 4 - 5 thế hệ đã theo nghề này. Theo nhận định của Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, giá trị sản xuất và lợi nhuận của cây giống cao gấp 10 lần so với trồng cây ăn trái, mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho người sản xuất, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong huyện.
Nhà vườn Cái Mơn đã nắm bí quyết của sự sống như thế nào khi dùng phương pháp ghép cây? Bí quyết đó được thấu thị từ quan sát mầm sống trong một mắt lá. Một con dao chuyên dùng được đưa vào dưới lớp da sao cho chỉ vừa đủ chạm vào xương cây để lấy được lớp da có mắt lá, xong đem ghép vào ô cửa sổ đã được mở sẵn bên gốc ghép. Nhựa từ gốc cây mẹ luân lưu qua lại mắt ghép, sự sống được trao truyền cho nhau và lẫn nhau nhờ sự tiếp hợp tốt. Từ một mầm sống ủ trong chồi lá, qua bàn tay vàng của nhà vườn, mầm sống ấy đã bật dậy và sinh sôi trong trời đất.
Vận chuyển cây giống. Ảnh: Nhất Linh
Ôi sự diệu kỳ của chiếc lá trong bàn tay con người. Nắm được bí quyết sinh tồn này mà hầu như tất cả những cây công nghiệp và cây ăn trái phổ biến đều được người Cái Mơn nhân giống thành công.
Nghe nói nhà vườn Cái Mơn ghép cây rất điêu luyện, một ngày họ có thể ghép đến 400 - 500 cây. Nhưng tay nghề họ giỏi đến mức nào so với phạm vi toàn quốc? Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm nói không do dự: “Trình độ thượng thừa. Họ tinh thông nhiều phương pháp ghép cây khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp và càng ngày càng nâng cao tay nghề do áp dụng kinh nghiệm truyền thống kết hợp với khoa học kỹ thuật”.
Huyện Chợ Lách đã đoạt kỷ lục Guinness về lai tạo và sản xuất cây giống lớn nhất Việt Nam. Ngày nay, nhờ tài lai tạo cây giống, họ đã tạo nên nhiều thương hiệu cây ăn trái nổi tiếng như: sầu riêng Cái Mơn (sữa hạt lép Chín Hóa, Ri6) đang được xác lập chỉ dẫn địa lý, măng cụt và chôm chôm Chợ Lách đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, bòn bon Cái Mơn đạt danh hiệu Trái ngon cho người sành điệu. Ðó là thành quả của nỗ lực lao động và tư duy sáng tạo để đem lại vinh quang cho nghề sản xuất cây giống ở Cái Mơn nói riêng và huyện Chợ Lách nói chung, đúng như ông bà đã nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Nghề ghép cây ở Cái Mơn đã xuất hiện cách nay gần một thế kỷ - điều ấy tương ứng với năng lực truyền nghề liên tục và bền bỉ bằng những kinh nghiệm thực tiễn giao thoa với sự cập nhật kiến thức khoa học - kỹ thuật để nâng cao tay nghề. Bất chấp thời gian làm tàn lụi sức lực và hủy hoại đời sống sinh học của mỗi cá thể người, những nhà vườn Cái Mơn từ thế hệ này sang thế hệ khác đã miệt mài nhân bản cây đầu dòng, từ mẹ sang con, sang cháu, chắt… để duy trì sự sống ở một trạng thái mới.
Nhà vườn ươm mầm sống từ những cây ghép cũng giống như Má tôi khi làm mứt Tết đã tạo nên bông nên hoa nên cành nên lá, nên những nhành mai làm nụ chờ xuân. Nghề làm cây giống ở Cái Mơn được mặc định sứ mệnh trao truyền sức sống mới để giữ gìn vẹn toàn mùa xuân tơ nõn thơm như mứt Tết.
Bút ký của Kim Liên