May banh gia công tạo thu nhập cho phụ nữ

17/05/2022 - 21:12

BDK - Hơn 15 năm khởi nghiệp và phát triển cùng công việc may gia công và nhét ruột banh, bà Lê Thị Thoại Hoa (sinh năm 1970, quê gốc ở ấp Tân Hưng, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc) có nguồn thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng. Bà Hoa còn thành lập nhóm may banh gia công ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây gồm 15 thành viên, nhận nguồn nguyên liệu ban đầu và giao hàng thành phẩm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ địa phương.

Phụ nữ địa phương may banh gia công tại nhà bà Lê Thị Thoại Hoa, ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây.

Phụ nữ địa phương may banh gia công tại nhà bà Lê Thị Thoại Hoa, ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây. 

“Thời gian trước, tôi nhận banh ở ấp Thanh Bắc (xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc) về nhà để may gia công. Tích lũy kinh nghiệm, trang bị kỹ thuật đầy đủ, tôi quyết định khởi nghiệp tại nhà và nhận nguồn hàng ở TP. Hồ Chí Minh về làm, phụ nữ địa phương đến nhận về nhà gia công. Ai chưa rành nghề thì tôi hướng dẫn. Các chị nhận về may, còn tôi đảm nhiệm phần vào ruột banh và bơm cứng (40 trái/ngày, 4 ngàn đồng/trái). Ngoài ra, công ty ở TP. Hồ Chí Minh còn hỗ trợ phí vận chuyển cho tôi với 1 ngàn đồng/trái, ước chừng giao 1 ngàn trái/tháng”, bà Hoa chia sẻ.

Công việc không bó buộc thời gian hoàn thành, rảnh thì bắt tay vào làm. Mọi người đến nhà bà Hoa nhận nguồn nguyên liệu ban đầu và giao hàng khi hoàn thành sản phẩm. Nhân công tự trang bị dụng cụ hành nghề. Người may sẽ khéo léo kết nối các miếng đã được cắt sẵn (32 miếng/trái) bằng dây chỉ, dùng kim may và cây trợ lực bằng gỗ để điều chỉnh chỉ theo ý định của bản thân. Cắt tỉa chỉ dư thừa bằng kéo bấm hay lưỡi lam, may sẽ lộn bề trái và khi vào ruột mới lộn lại bề mặt bơm căng bóng lên.

“Tôi gắn bó nghề may banh được 20 năm, trước kia thì nhận hàng chỗ khác và nay ở nhà Hoa. Tận dụng thời gian rảnh, tôi may banh kiếm thêm thu nhập, 3 - 4 tiếng/ngày, 2 - 3 trái/ngày. Lo chuyện gia đình chu toàn thì tôi mới bắt tay vào may banh, giá gia công 12 ngàn đồng/trái đã hoàn thành khâu may”, bà Lê Thị Hoàng (58 tuổi, ấp Thanh Tây) bộc bạch.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh Tây (Mỏ Cày Bắc) Nguyễn Thị Luyện cho biết: Từng ấp có mô hình phát triển kinh tế đặc thù gắn liền với phụ nữ. Toàn xã đã phát triển được 2 điểm may banh gia công, mang lại thu nhập cho phụ nữ trong thời gian rảnh rỗi. Phụ nữ địa phương sẽ mang hàng về nhà gia công và giao lại khi hoàn thành sản phẩm. Công việc không kén chọn lao động. Mô hình cần được nhân rộng ở địa phương. Hội luôn hỗ trợ hết mình với những cá nhân quyết tâm phát triển ngành nghề hay khởi nghiệp công việc may banh.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN