
Người dân đến bộ phận một cửa của huyện Mỏ Cày Bắc để giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Hoàng Vũ
Xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho biết: Hiện nay, hạ tầng trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và điều hành (471 máy tính, 250 máy in, 38 máy scan, 58 thiết bị kết nối mạng). Đầu năm 2023, UBND huyện đã cấp mới 42 máy tính, 10 máy in, 3 máy scan, 2 máy photocoppy thay thế thiết bị củ bị hỏng hóc, không đáp ứng được nhu cầu. 100% cán bộ, công chức từ huyện đến xã được trang bị máy vi tính làm việc. 100% cơ quan hành chính cấp huyện và UBND các xã, thị trấn có đường truyền Internet băng thông rộng (cáp quang).
Mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai, kết nối sử dụng tại UBND huyện và các xã. Hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai tương đối đồng bộ từ tỉnh đến xã. Hạ tầng cáp quang, mạng di động 4G được triển khai đến 102 ấp trên địa bàn huyện do các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, FPT cung cấp, chất lượng ngày càng được cải thiện.
Huyện duy trì sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT I-Office trong hoạt động quản lý, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật theo quy định). Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt 64%. 100% chế độ báo cáo được thực hiện trên Hệ thống báo cáo của tỉnh và của Văn phòng Chính phủ. 100% cán bộ, công chức được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ.
100% lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, cán bộ một cửa các cấp được cấp và sử dụng chữ ký số chuyên dùng. Trong năm 2023, huyện đầu tư cấp chữ ký số cá nhân cho giáo viên các trường THCS và tiểu học, kinh phí hơn 300 triệu đồng. Tổng số TTHC đã cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh là 357 thủ tục. Trong đó, cấp xã 46 thủ tục trực tuyến mức độ 3 (một phần) và 26 thủ tục trực tuyến mức độ 4 (toàn trình); cấp huyện 80 thủ tục trực tuyến mức độ 3 (một phần) và 114 thủ tục trực tuyến mức độ 4 (toàn trình); còn lại 91 thủ tục cung cấp dạng cung cấp thông tin. Tổng số hồ sơ điện tử hiện có trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC 3.797 hồ sơ (đạt 64%). 13/13 xã, thị trấn có Cổng thông tin điện tử phục vụ công tác tuyên truyền của địa phương.
Toàn huyện có 192 doanh nghiệp (DN) và 4.951 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hơn 100 DN có sử dụng nền tảng số. 70% DN và hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Hơn 30% DN có website sử dụng tên miền “.vn”. Huyện có 5 sản phẩm OCOP đã đưa lên sàn thương mại điện tử.
Hạ tầng băng thông rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp huyện, xã và 102 ấp. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt hơn 55%. 100% DN có đường truyền Internet cáp quang. 62/102 ấp có điểm cung cấp Wifi miễn phí, đạt 61%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 24,7%. Tỷ lệ cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THCS có kho học liệu số đạt 100%.
Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số
Toàn huyện có hệ thống camera sử dụng công nghệ IA tích hợp các camera an ninh để giám sát tại các điểm đông dân cư, các điểm giao thông phức tạp để giám sát kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an ninh.
Ở lĩnh vực giáo dục, đã xây dựng hoàn chỉnh và triển khai sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến. Các trường học đẩy mạnh việc dạy trực tuyến trên phần mềm K12ONLINE; kho học liệu số; hệ thống quản lý hồ sơ điện tử VnEdu; Hệ thống tuyển sinh đầu cấp; Sổ điểm điện tử… Ngoài ra, các trường còn ứng dụng các phần mềm trong quản lý về nhân sự; tài sản, thư viện, kế toán, kiểm định chất lượng giáo dục. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối liên thông các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện.
Ngành y tế đã triển khai sử dụng các ứng dụng trong phòng chống dịch Covid-19: đăng ký tiêm ngừa qua mạng, Sổ sức khỏe điện tử, khai báo y tế qua mạng, PC-Covid... sử dụng công nghệ quét mã QR-Code khai báo y tế tại trụ sở các cơ quan hành chính, trường học trên địa bàn huyện (có 6.217 đoàn viên, thanh niên, học sinh và cán bộ, công chức cài đặt và sử dụng phần mềm PC-Covid). Triển khai kết nối Teleheath đến Trạm Y tế xã Phước Mỹ Trung. Thực hiện tích hợp, kết nối số liệu từ các phần mềm khám chữa bệnh tại các trạm y tế liên thông với Cổng hồ sơ sức khỏe đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe của người dân. Theo thống kê đến nay, có 80.835 người đăng ký Sổ sức khỏe điện tử (đạt 70,96%).
Triển khai sử dụng hệ thống phần mềm an sinh xã hội để quản lý, cập nhật thông tin về cung cầu lao động. Triển khai quảng bá ứng dụng Du lịch thông minh (BenTre Tourism) và phần mềm quản lý các điểm du lịch chạy trên nền Web. Đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh cho 4 xã Thanh Tân, Thạnh Ngãi, Hòa Lộc, Phú Mỹ và thị trấn Phước Mỹ Trung, với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ (vốn xây dựng nông thôn mới và CĐS).
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ sử dụng các hệ thống quản lý văn bản, xử lý hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến; phổ cập công nghệ số. Phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện mô hình CĐS cấp huyện, cấp xã, thị trấn theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông đầu tư hệ thống Wifi khu hành chính huyện”, Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho biết.
Huyện Mỏ Cày Bắc đã thành lập 1 tổ CĐS cộng đồng huyện, gồm 10 thành viên; 13 tổ CĐS cộng đồng xã, với 131 thành viên; 64 tổ CĐS cộng đồng ấp, với 673 thành viên. Tổ CĐS cộng đồng đã thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện CĐS, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. |
Trần Quốc