Mỏ Cày Nam cảnh giác với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

13/03/2020 - 07:33

BDK - Chăn nuôi heo lao đao vì giá cả bấp bênh và bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều người dân huyện Mỏ Cày Nam chuyển sang nuôi gia cầm nên số lượng đàn gia cầm tăng đáng kể. Trước diễn biến cúm gia cầm H5N1 và H5N6 đang xảy ra ở một số tỉnh (hai loại cúm này có thể lây sang người) cộng với dịch Covid-19 đang hoành hành, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong chăm sóc, tiêm phòng cho vật nuôi.

Đàn gia cầm ở huyện Mỏ Cày Nam.

Đàn gia cầm ở huyện Mỏ Cày Nam.

Nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh

Đàn gia cầm tăng cao, lại thêm giá bán xuống thấp, gây nhiều trở ngại cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện. Đến cuối tháng 2-2020, toàn huyện có 16.200 con bò, tăng 10,4% so với cùng kỳ; gần 15.000 con dê, cừu, tăng 36,1% so với cùng kỳ; 204.200 con heo, giảm 21,4% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm tăng cao nhất với gần 1,4 triệu con, tăng 30% so với cùng kỳ.

Hiện huyện đang gặp khó khăn trong triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỏ Cày Nam kiến nghị: “Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Chăn nuôi và Thú y và chính quyền để xác định số lượng đàn vật nuôi cần tiêm phòng và vùng có nguy cơ cao, nhằm cấp đủ vắc-xin tiêm phòng”. Năm 2019, trên địa bàn huyện đã xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm như: bệnh cúm gia cầm, heo tai xanh, dịch tả heo cổ điển xảy ra ở phạm vi hẹp. Riêng bệnh dịch tả heo châu Phi và bệnh lở mồm long móng xảy ra trên diện rộng. 

 Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin: Trong nước hiện có 3 dịch bệnh đang xảy ra mà địa phương cần lưu ý. Đó là cúm gia cầm hiện đã xảy ra ở 10 tỉnh, trong đó có 2 tỉnh phía Nam là Bình Dương và Trà Vinh (giáp xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam) có cúm H5N1, 8 tỉnh còn lại là H5N6, hai loại cúm này đều có thể lây sang người.

Cả nước có 8 tỉnh đang xảy ra dịch lở mồm long móng, trong đó có tỉnh Tiền Giang. Đối với dịch tả heo châu Phi, hiện cả nước vẫn còn 29 tỉnh chưa qua 30 ngày, đồng nghĩa dịch tả heo châu Phi chưa chấm dứt. Tại tỉnh, ca dịch cuối cùng xảy ra vào ngày 26-12-2019.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y dự báo: Những dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh và huyện Mỏ Cày Nam là cúm gia cầm, do mật độ đàn của huyện Mỏ Cày Nam tăng cao, gần địa bàn có dịch bệnh đang xảy ra (tỉnh Trà Vinh). Thời tiết cực đoan, chênh lệch nhiệt độ ngày, đêm cao, gia súc, gia cầm dễ mắc bệnh. Cúm gia cầm và lở mồm long móng xảy ra hầu hết ở các hộ không tiêm phòng cho vật nuôi.

Nâng cao ý thức phòng dịch

Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mà phải quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh có dịch Covid-19, việc phòng bệnh cúm gia cầm càng đáng quan tâm. Không để dịch chồng dịch. Đồng thời, đề nghị huyện Mỏ Cày Nam triển khai ngay việc tiêm phòng cúm gia cầm và lở mồm long móng. Tỉnh cũng sẽ điều phối kịp thời vắc-xin cho huyện.

Chăn nuôi gà ở xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam.

Chăn nuôi gà ở xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam.

Trước nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh trên địa bàn, huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm. Huyện ban hành kế hoạch tiêm phòng bắt buộc vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng ở gia súc đợt 1 năm 2020. Thời gian thực hiện vào ngày 15-3-2020 trên bò và heo, với 6,2 ngàn liều vắc-xin. Phạm vi tiêm phòng tại các xã vùng ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao. Cụ thể, như đàn bò ở các xã: An Thạnh, Hương Mỹ, Minh Đức, Tân Trung, Thành Thới A và Thành Thới B từ 29 con trở xuống/hộ. Đàn heo ở các xã: An Thới, Minh Đức và Tân Trung chỉ triển khai cho đàn nái và nọc từ 29 con trở xuống/hộ.

Từ ngày 17-2 đến 17-3-2020, huyện đã triển khai việc tiêm phòng bắt buộc vắc-xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2020, với số lượng do tỉnh phân bổ 185 ngàn liều vắc-xin. Huyện đang kiến nghị tỉnh cấp thêm 60 ngàn liều. Đồng thời, huyện triển khai tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2020, từ ngày 17-2 đến 1-3-2020, với tổng số hóa chất sử dụng hơn 2 ngàn lít.

Ban chỉ đạo huyện tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các xã, thị trấn. Kiểm tra và xử lý việc vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường. Kịp thời báo cáo huyện nếu có khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ và chỉ đạo kịp thời.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN