BDK - Tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 được dự báo không ở mức gay gắt, nhưng còn phụ thuộc vào sự biến động nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nhu cầu sử dụng nước, gió chướng... Do đó, người dân nên chủ động trữ nước ngọt, nước mưa và triển khai tốt kế hoạch nhằm chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn các tháng còn lại của mùa khô 2024-2025.
Việc vận hành các công trình thủy lợi trong mùa khô có ý nghĩa quyết định đến sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Chủ động ứng phó
Theo dự báo ngày 15-2-2025 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, ranh mặn sâu nhất mùa khô năm 2024-2025 có khả năng ở mức thấp và ít sâu hơn so với mùa khô 2023-2024, tương đương mùa khô năm 2022-2023. Mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào tháng 2 và 3-2025 (xuất hiện tập trung vào các đợt 20-2; 6-3 và 21 đến 28-3).
Để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025, góp phần hạn chế thiệt hại, bảo vệ sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân, ngày 17-12-2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày Nam đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/HU “Về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 trên địa bàn huyện”. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện một số nội dung: Xác định nhiệm vụ phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung huy động nguồn lực và thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.
Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2024-2025. Theo dõi sát diễn biến tình hình xâm nhập mặn, kịp thời có giải pháp ứng phó. Huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai, hạn mặn. Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các dự báo, cảnh báo, diễn biến tình hình xâm nhập mặn, các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên môn bằng nhiều hình thức, bảo đảm mọi thông tin cần tuyên truyền, hướng dẫn phải rộng khắp, đến người dân kịp thời. Tiếp tục phát động nhân dân thực hiện phong trào “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất...
Vận hành các cống
Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam có tổng số 174 công trình thủy lợi. Việc vận hành các công trình này để dẫn ngọt, trữ ngọt trong mùa khô là rất quan trọng, được người dân hết sức quan tâm.
Trong tổng số 174 công trình thủy lợi của huyện, có 16 công trình cống, 2 hệ thống thủy lợi dẫn ngọt, gồm: Hệ thống thủy lợi Cả Chát: Kênh Cái Chát - rạch Hương Mỹ, phục vụ cho 5 xã, gồm: Thành Thới A, Thành Thới B, Ngãi Đăng, Cẩm Sơn, Hương Mỹ với chiều dài khoảng 15km, điểm đầu giáp sông Thom, điểm cuối giáp kênh Phụ Nữ. Kênh Bình Bát phục vụ cho 2 xã, gồm: Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam) và Thới Thạnh (Thạnh Phú), chiều dài 3,6km, điểm đầu từ cống Bình Bát, điểm cuối rạch Cái Lức, huyện Thạnh Phú. Trục dẫn kênh Phụ Nữ, thuộc xã Hương Mỹ, chiều dài 15km, điểm đầu ấp Phủ, xã Hương Mỹ, điểm cuối cống Cả Ráng Sâu, huyện Thạnh Phú. Hệ thống thủy lợi Đồng Khởi - Tân Hương, gồm: kênh Đồng Khởi, phục vụ cho 3 xã: An Định, Tân Trung, Minh Đức, chiều dài 4,9km, điểm đầu cầu Phú Lợi Thượng, điểm cuối giáp rạch Tân Hương. Sông Tân Hương, phục vụ cho 2 xã Minh Đức, Hương Mỹ, chiều dài 6,3km, điểm đầu giáp rạch Tân Hương, điểm cuối giáp kênh Chín Thước. Kênh Chín Thước thuộc huyện Mỏ Cày Nam (Hương Mỹ) và huyện Thạnh Phú, chiều dài 9,6km, điểm đầu giáp rạch Tân Hương, điểm cuối giáp chợ Quới Điền, huyện Thạnh Phú. Cơ bản phục vụ tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Khu vực huyện Mỏ Cày Nam có 11 cống phục vụ cho 7.039ha đất sản xuất. Đó là các cống: Vàm Đồn, Bình Bát, Tân Hương, Tân Tập, Tân Ngãi, Tân Trung, Bà Linh, Đìa Dứa, Minh Nghĩa, Giồng Võ, Sa Kê. Việc đóng, mở các cống này sẽ ảnh hưởng đến 7ha rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày; 6.973ha cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày và 59ha nuôi thủy sản.
Nguyên tắc xây dựng lịch vận hành được theo Quy trình vận hành Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre - giai đoạn 1 do UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 9-9-2021. Biện pháp chung để xây dựng kế hoạch vận hành công trình thủy lợi là đóng, mở cửa cống để phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều cường, tiêu úng xổ phèn, khơi thông dòng chảy và giải quyết ô nhiễm môi trường.
Trách nhiệm vận hành công trình thủy lợi do Chi nhánh 2 - Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre trực tiếp lãnh đạo công nhân quản lý cống thực hiện vận hành đóng, mở các cống do công ty quản lý. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã và các ấp vận hành đóng, mở các cống điều tiết nội đồng và các cống do địa phương quản lý đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của địa phương.
Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Quốc Hưng cho biết: “Qua tuyên truyền cho người dân về chủ động phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, đến nay, người dân đã có ý thức rất cao trong việc nắm bắt được những thiệt hại có thể xảy ra do xâm nhập mặn. Do đó, người dân đã tập trung sử dụng các phương tiện sẵn có để trữ nước mưa, nước ngọt như lu, mái, túi chứa, đào ao, trải bạt... để có đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt. Nhằm hạn chế xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, huyện đã ban hành kế hoạch vận hành các cống, để đảm bảo nước phục vụ cho người dân và doanh nghiệp...”.
“Đến thời điểm này, qua rà soát, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam cơ bản đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân và doanh nghiệp sản xuất và sinh hoạt. Riêng cống Sa Kê là túi chứa nước cho phần lớn người dân ở huyện, vì thế, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch kiểm tra việc xả thải của các doanh nghiệp 2 bên bờ kênh”.
(Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Quốc Hưng)