Mỏ Cày Nam phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp

27/02/2019 - 08:15

BDK - Đóng góp khoảng 20% tổng sản phẩm trong cơ cấu kinh tế, giúp cho 27 ngàn lao động có thu nhập, ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở huyện Mỏ Cày Nam đã vươn lên đóng vai trò là “chỗ dựa” cho người dân, nhất là trong thời điểm ngành kinh tế chủ lực là chăn nuôi heo bấp bênh.

Sản phẩm chỉ xơ dừa được cộng đồng quốc tế đánh giá là “sản phẩm biến đổi khí hậu” bởi chúng thân thiện với môi trường.

Sản phẩm chỉ xơ dừa được cộng đồng quốc tế đánh giá là “sản phẩm biến đổi khí hậu” bởi chúng thân thiện với môi trường.

Tăng trưởng ổn định

Huyện Mỏ Cày Nam hiện có diện tích tự nhiên 22 ngàn héc-ta, dân số khoảng 170 ngàn người. Cơ cấu kinh tế của huyện là nông nghiệp - công nghiệp xây dựng - thương mại dịch vụ. Kinh tế thế mạnh của huyện là trồng dừa và chăn nuôi heo. Diện tích dừa của huyện Mỏ Cày Nam chiếm đến 77,2% diện tích đất của huyện này, tương đương 17 ngàn héc-ta và là huyện đứng thứ nhì tỉnh về diện tích dừa (sau huyện Giồng Trôm).

Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thực hiện đạt 2.238 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch năm, tăng 14,8% so với năm 2017, hàng năm giá trị sản xuất tăng bình quân khoảng 13,8%. Tổng số cơ sở sản xuất là 1.941 cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: “Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện, ngành dừa chiếm lớn nhất với trên 500 cơ sở liên quan ngành dừa”. Số lao động tham gia sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện khoảng 27 ngàn lao động. Những mặt hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chủ yếu của huyện đều từ cây dừa như: chỉ xơ dừa, than thiêu kết, thạch dừa, kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Theo ước tính của huyện, sản lượng chỉ xơ dừa trong năm khoảng 44 ngàn tấn, cơm dừa 10.500 tấn, kẹo dừa 1.150 tấn.

Đánh giá được tiềm năng của mặt hàng chỉ xơ dừa, năm 2016, huyện đã ban hành kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chỉ xơ dừa. Từ kế hoạch này, đến nay, huyện đã có 6 hội nghị kết nối doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và hộ sản xuất chỉ xơ dừa diễn ra ở 6 xã An Thới, Thành Thới A, Tân Trung, Bình Khánh Đông, Phước Hiệp, Định Thủy; 10 lớp tập huấn Luật Hợp tác xã; tranh thủ 75 triệu đồng từ vốn khuyến công cho 2 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa; vận động được 3 nhóm xe chỉ, dệt thảm ở xã An Thới, Thành Thới A, Tân Trung thành lập tổ hợp tác liên kết tiêu thụ.

Cần “cú hích” từ chính sách

Chỉ xơ dừa là sản phẩm được nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc, Úc… đánh giá là “sản phẩm biến đổi khí hậu”. Ông Mai Văn Nhiễm - Giám đốc Công ty TNHH MTV dừa Hưng Long, thị trấn Mỏ Cày cho biết, sau những chuyến đi tìm hiểu thị trường trên nhiều quốc gia, đi cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang Mỹ (năm 2017), các nước bạn đến đặt hàng, họ đã khẳng định cụm từ này với ông.

Dệt thảm búa xuất khẩu ở Công ty TNHH MTV dừa Hưng Long.

Dệt thảm búa xuất khẩu ở Công ty TNHH MTV dừa Hưng Long.

Minh chứng cho lời nói của mình, ông Nhiễm cho chúng tôi xem hình ảnh sản phẩm chỉ xơ dừa dùng trong chống xói lở vách núi, tạo dòng chảy cho suối, phủ đồi trọc, dùng để trồng cây phủ núi đá… Chỉ xơ dừa qua đôi tay khéo léo của người dân Mỏ Cày Nam đã biến thành những sản phẩm nâng giá trị lên hàng chục lần. Hiện Công ty TNHH MTV dừa Hưng Long đang sản xuất 12 mặt hàng từ chỉ xơ dừa như: thảm búa, dây thừng xoắn đôi, lưới chỉ xơ dừa, băng dừa…

Với 20 năm hoạt động trong ngành dừa, ông Mai Văn Nhiễm bày tỏ niềm tin: “Chỉ xơ dừa từ dừa Bến Tre rất chắc, theo tôi là hơn cả chỉ xơ dừa của SriLanka, Indonesia do đất mình là đất phù sa, thổ nhưỡng đã ban cho chúng ta món quà quý giá là dừa”. Dự kiến trong năm 2019, DN Hưng Long xuất khoảng 30 container hàng hóa, tương ứng 270 tấn chỉ xơ dừa thành phẩm.

Lo ngại hiện nay của nhiều DN bản địa là DN có thể thua ngay trên sân nhà, nguyên nhân là tiềm năng của sản phẩm của chỉ xơ dừa đang thu hút DN nước ngoài như: Mỹ (Công ty TNHH MTV Đầu tư CocoVina 100% vốn Mỹ), Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ từ một đối tác với DN bản địa cũng nhảy vào hoạt động sản xuất. Ngành chỉ xơ dừa từng đem lại nguồn thu lớn cho người dân huyện Mỏ Cày Nam nhưng nguồn thu này ngày càng giảm dần bởi DN nước ngoài nghiên cứu thị trường khá bài bản, cùng với nguồn vốn mạnh nên có thể chi phối giá chỉ xơ dừa tại huyện.

Trước sự cạnh tranh gắt gao này, DN trong huyện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh hay nói đúng hơn là áp lực vốn đầu tư. Mối lo ngại nói trên đã được ông Mai Văn Nhiễm nêu lên tại buổi họp mặt DN đầu năm 2019 do huyện Mỏ Cày Nam tổ chức.

Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Út cho biết: “Các doanh nhân hoạt động trong ngành dừa có mặt tại buổi họp mặt DN đầu năm 2019 cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của ông Nhiễm. Sắp tới, huyện sẽ có các động thái nhằm liên kết các DN, cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa bản địa nhằm tạo nguồn nguyên liệu mạnh và một số ngân hàng phía huyện cũng cho biết sẽ tạo điều kiện để DN bản địa vay vốn phát triển sản xuất”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích