Mỏ Cày Nam tập trung thực hiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực

09/09/2022 - 05:42

BDK - Theo nhận định của đoàn giám sát HĐND tỉnh do ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn, Mỏ Cày Nam là địa phương đang thực hiện khá tốt Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Sơ chế dừa nguyên liệu cho doanh nghiệp tại Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy.

Sơ chế dừa nguyên liệu cho doanh nghiệp tại Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy.

Hiệu quả bước đầu

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Đỗ Hoàng Minh, trên cơ sở triển khai Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, UBND huyện đã tổ chức khảo sát đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị con heo trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020; chuỗi giá trị chỉ xơ dừa. Những chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khác, không xây dựng chuỗi riêng của huyện Mỏ Cày Nam mà chỉ phối hợp thực hiện theo kế hoạch chung của các ngành tỉnh như: chuỗi giá trị cây dừa và chuỗi bưởi da xanh.

Huyện đã chỉ đạo các ngành huyện có liên quan hỗ trợ các xã, thị trấn củng cố, thành lập mới các tổ hợp tác (THT); thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới, tư vấn cho các HTX xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Kết quả, HTX đang từng bước phát triển tốt. Hiện toàn huyện có 109 THT, 16 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 13/16 HTX hoạt động có hiệu quả, có liên kết với doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Hoàng Minh khẳng định: Chuỗi dừa được đánh giá là chuỗi thành công nhất của huyện. Trong các năm gần đây, chuỗi giá trị cây dừa phát triển khá mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, nhất là sản phẩm dừa hữu cơ. Hiện Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Betrimex, Green Coco, Á Châu, Thuận Phong... đã thực hiện việc liên kết với 13 THT, HTX trên địa bàn thu mua dừa trái, cơm dừa theo hướng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 20%. Hiện nay, các công ty trên đã thực hiện thu mua dừa cho người dân theo hợp đồng liên kết THT/HTX với sản lượng thu mua hơn 3,5 triệu trái/tháng.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, huyện đã xây dựng đề án quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ, dừa uống nước tập trung giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện, vùng quy hoạch được phân bổ trên 15 xã. Tổng diện tích quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ giai đoạn 2020 - 2025 là 5.421ha (chiếm khoảng 30% diện tích trồng dừa của huyện), quy hoạch giai đoạn 2025 - 2030 là 8.220ha (khoảng 50% diện tích trồng dừa của huyện), dừa uống nước 130ha.

Toàn huyện hiện có 16.835ha dừa, trong đó, diện tích thu hoạch 16,2 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 178 triệu trái. Hiện toàn huyện có trên 6 ngàn vườn dừa đang thực hiện quy trình đạt chứng nhận hữu cơ, tổng diện tích 5,2 ngàn ha, trong đó có 4,7 ngàn ha vườn được chứng nhận đạt hữu cơ, chiếm 24,9% tổng diện tích vườn dừa của huyện.

Đối với chuỗi bưởi da xanh, huyện ưu tiên phát triển vùng trồng chuyên cây bưởi da xanh tập trung tại các xã: Thành Thới A, Thành Thới B, An Thạnh, Đa Phước Hội, Tân Hội, An Định, Tân Trung, Ngãi Đăng... diện tích trồng chuyên đạt 200ha. Các xã còn lại phát triển diện tích cây ăn trái trồng xen. Trong đó, có 46,17ha, 153 hộ của 14 THT trồng bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP.

Chuỗi giá trị con heo được triển khai thực hiện đồng bộ với các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch được duyệt. Tổng diện tích đất quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại các xã 1.890ha. Huyện tiếp tục duy trì thực hiện việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại cho các sản phẩm chăn nuôi của huyện, phát huy nhãn hiệu chứng nhận “Heo Mỏ Cày Nam”, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm con heo. Hiện huyện có 13 THT, 2 HTX duy trì quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP với 160 thành viên, có liên kết với Công ty TNHH MTV Thanh Thêm trong thu mua và giết mổ heo, để cung cấp cho hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị

Thời gian tới, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung thực hiện các Nghị quyết số 03 và 07 của Tỉnh ủy. Để thực hiện, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các ngành và huy động sự tham gia của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, tập trung và liên kết hiệu quả và bền vững.

Khuyến khích hình thành và mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các THT, HTX nâng cao chất lượng hoạt động, giới thiệu doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Áp dụng quy trình công nghệ chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Huyện cần sự quan tâm hỗ trợ, giới thiệu thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện (dừa, con heo), nhất là công nghiệp chế biến và bảo quản hàng nông sản, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nhằm phát huy hiệu quả của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, tạo đầu ra ổn định cho nông sản để người dân an tâm phát triển sản xuất.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình, dự án liên kết chuỗi giá trị, thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ) đối với các vùng sản xuất tập trung.

 Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới đề nghị, huyện tiếp tục củng cố phát triển THT, HTX và hướng đến tổ chức liên minh HTX trên nhiều lĩnh vực khác nhau để phát triển tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao hiệu quả nông nghiệp. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu sạch trên địa bàn cho dừa, bưởi, heo.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn vừa giám sát tình hình thực hiện chuỗi dừa tại huyện Mỏ Cày Nam theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đoàn đã đến thực tế một số chuỗi giá trị dừa, gặp gỡ, trao đổi thông tin với HTX Nông nghiệp Bình Khánh Đông, HTX Nông nghiệp Tân Hội và làm việc với UBND huyện Mỏ Cày Nam, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới tại Khu công nghiệp An Hiệp. Qua đó, đoàn đã ghi nhận đầy đủ những khó khăn chung và kiến nghị của các HTX về việc tiếp cận các cơ chế chính sách.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích