Họp triển khai công tác tại một tổ NDTQ ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm. Ảnh: H.Đức
Toàn tỉnh hiện có trên 14,71 ngàn tổ nhân dân tự quản (NDTQ). Hoạt động của tổ NDTQ ngày càng hiệu quả, có nhiều đóng góp to lớn, trở thành chiếc cầu nối, kịp thời chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến quần chúng nhân dân.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch của UBND tỉnh
về củng cố, nâng cao chất lượng tổ NDTQ do Công an tỉnh chủ trì vừa qua, đại biểu
đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề chủ yếu gồm: sự tham gia của Ban đại diện tổ
NDTQ; kinh phí hoạt động của tổ; trình độ, năng lực, nhiệt tình của tổ trưởng đối
với hoạt động của tổ; sự quan tâm phối hợp của chính quyền xã, ấp, các hội,
đoàn đối với hoạt động tổ. Nhiều ý kiến cho rằng, trong sinh hoạt tổ NDTQ cần
tránh sinh hoạt theo kiểu một chiều và nên lắng nghe ý kiến của người dân. Ban
đại diện tổ cần linh hoạt trong điều hành sinh hoạt tổ, chọn lựa nội dung sinh
hoạt hằng tháng. Đại biểu cũng đề nghị việc rà xét, đánh giá công nhận tổ vững
mạnh cần đúng thực chất hoạt động của tổ NDTQ… Đây là những ý kiến hay, được
ban tổ chức hội nghị ghi nhận và có hướng đề xuất với UBND tỉnh những phương thức
phù hợp để đưa hoạt động tổ NDTQ đi lên.
Đặc biệt, đại biểu đã bàn luận về hiệu quả
công tác tọa đàm tại tổ NDTQ và cho rằng đây là một trong những biện pháp hay để
ngăn ngừa tham nhũng, góp phần hiệu quả đưa hoạt động tổ đi lên. Đại biểu xác định,
tọa đàm tại tổ NDTQ đã tác động rất lớn đến công tác vận động quần chúng tham
gia xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn ngừa tham nhũng. Theo đó, nội dung tọa
đàm được gắn với các công trình, dự án, quy hoạch tại địa phương, những khó
khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng của các công trình. Việc tọa đàm tại tổ
cần thực hiện súc tích và đơn giản, thành phần tham dự có từ 50% đại diện của
các hộ dân trở lên; tùy theo tính chất, quy mô của sự việc, có thể mời từ 3 - 4
tổ NDTQ tham dự; văn bản báo cáo chung được trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp
với trưởng ấp (khu phố) chuẩn bị với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu và mạch lạc.
Thông qua tọa đàm, người dân thực hiện quyền
dân chủ, bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình với đại diện chính quyền địa
phương. Sau khi đã thông suốt, người dân sẽ tự nguyện, tích cực và hưởng ứng,
tham gia thực hiện, nhiệt tình đóng góp với mục đích vì lợi ích chung của cộng
đồng.