|
Mô hình tôm - lúa ở ấp Giang Hà, xã An Điền (Thạnh Phú). |
Tác động tích cực trong việc cải tạo môi trường của mô hình sản xuất luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa đã dần chiếm ưu thế trước các mô hình khác ở những xã tiểu vùng II, III (ven sông Hàm Luông, từ xã Mỹ An đến xã Thạnh Hải) của huyện Thạnh Phú. Mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả, giúp cho bà con yên tâm sản xuất.
Mô hình sinh kế ổn
định
Anh Bùi Văn Phú, ở ấp An Khương A, xã An Điền canh tác vuông
tôm hơn 4ha, từ khoảng 5 năm về trước đã áp dụng mô hình tôm - lúa, mỗi năm thu
được từ 12-15 triệu đồng/công. Trước kia, anh Phú nuôi tôm sú 2 vụ trong năm,
có lúc lãi vài chục triệu đồng/công/vụ nhưng từ thời điểm 5 năm trước, tôm vụ 2
không còn nuôi được nữa. “Do nước nhiễm mặn ngày càng cao và mực nước ngoài
sông mặn ngọt chênh lệch về thời gian mỗi năm khác nhau nên khó chọn thời điểm
thả tôm giống. Thường vào thời điểm tôm sú vụ 2 thả nuôi thì nước ngọt đột ngột
do mưa nhiều, làm cho con tôm sú bị ảnh hưởng, nhẹ thì chai cứng, nặng thì chết
cả ao. Do vậy, khoảng 5 năm nay, tôi chọn mô hình tôm - lúa vì ngoài thu nhập
chính còn sử dụng lúa ngọn nuôi gia cầm và rơm nuôi bò”- anh Phú cho biết. Điều
làm cho người dân lo ngại nhất là việc mầm bệnh của tôm vụ 2 chết tạo ra nguy
cơ cho tôm vụ 1 - vụ quyết định của năm mới. Nếu canh tác bằng mô hình tôm -
lúa sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và có hiệu quả khá tốt chứ không gặp rủi ro
như nuôi tôm sú 2 vụ.
Ông Cao Văn Tùng - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thạnh Phú,
cho biết: Từ cuối tháng 11 (âm lịch), nước mặn lên thì bà con rút nước cạn đáy
ao, thu hoạch lúa và phơi ao vài ngày cho gốc rạ khô; sau đó, lấy nước vào thả
tôm sú, tôm sẽ ôm gốc rạ và lớn dần lên, gốc rạ sẽ phân hủy từ từ tạo nguồn
thức ăn hữu cơ dồi dào. Khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 thu hoạch tôm, sau đó
tháo cạn nước, xới đất rồi sạ lúa. Sau khi gieo cấy, bà con tùy vùng sẽ thả
thêm tôm càng xanh hoặc tôm thẻ chân trắng với số lượng ít để tăng thêm thu
nhập. Nhiều năm nay, bà con rất yên tâm với mô hình này vì tuy thu nhập không
cao nhưng ổn định.
Theo kỹ sư Võ Hoài Chân - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trồng
lúa trên đất nuôi tôm là biện pháp canh tác giúp cải tạo môi trường rất tốt,
cây lúa và con tôm trong quá trình nuôi trồng kết hợp có tác động tương hỗ cho
nhau. Cây lúa trồng sau vụ tôm, nhất là các giống lúa kháng phèn, mặn cao như
OM 9915, OM 9916, OM 9921, OM 10636, OM 9577-1, OM 9584-4, MTL 580 và MTL 689
thì không những tăng độ phì nhiêu cho đất, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú
cho tôm, mà còn cho lúa có năng suất, chất lượng cao, an toàn do ít sử dụng
thuốc trừ sâu trong quá trình gieo trồng. Còn theo kỹ sư thủy sản Lê Văn Trung
- Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản, hệ sinh thái sau vụ lúa sẽ cung cấp
đủ nguồn thức ăn cho tôm, tôm sẽ tăng trọng nhanh và sạch bệnh. Ngược lại,
ruộng lúa sẽ thừa hưởng các vi lượng vô cơ mà tôm thải ra và chu kỳ đó xoay
vòng liên tục, bền vững qua từng năm. “Mô hình luân canh tôm - lúa là giải pháp
tốt nhất cho bà con vùng đất ngập mặn, nhiễm phèn cao này. Cách làm này đã áp
dụng nhiều năm vẫn chưa thấy trở ngại gì”- kỹ sư Trung nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Ông Lâm Văn Hoàng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn huyện Thạnh Phú, cho biết: Tiểu vùng II, III của huyện đã được
quy hoạch mô hình nuôi xen từ năm 2003. Trong khi nuôi, bà con vì tiếc diện
tích đáy ao mà thả tôm sú vụ 2 dẫn đến việc chết tôm liên tục, làm ảnh hưởng
nghiêm trọng tới lúa. Tôm ôm gốc lúa tưởng chừng như quá tốt nhưng như thế sẽ
tạo ra xung đột môi trường giữa 2 chủng loại này trong quá trình phát triển dẫn
đến người dân phải cố gắng giữ lại cả 2 và kết quả là thất bại. Thời gian qua,
nguyên nhân gây chết tôm do thời tiết diễn biến bất lợi, nắng nóng kéo dài, sau
đó có những trận mưa lớn trái mùa làm cho nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm...
trong ao thay đổi đột ngột gây sốc cho con tôm.
Kỹ sư Lê Văn Trung giải thích: Mùa khô, nhiệt độ cao còn dẫn
đến gia tăng độ mặn và những vấn đề chất lượng nước khác, làm cho tôm kém ăn,
ngộ độc khí gas và tảo, độ oxy hòa tan thấp làm tôm lột xác kém, tốc độ tăng
trưởng chậm và tỷ lệ chết cao. Ngược lại, vào mùa mưa, lượng mưa lớn làm giảm
đột ngột độ mặn trong nước, kết hợp với những vấn đề khác về chất lượng nguồn
nước khiến cho tôm bị rối loạn sinh trưởng, dịch bệnh và chết, mà hiện nay chưa
có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Theo dự báo của kịch bản biến đổi khí hậu tại
Bến Tre, thời gian tới, mô hình sản xuất tôm - lúa cũng sẽ tiếp tục chịu nhiều
tác động bất lợi hơn nữa. Trước mắt, chỉ có mô hình luân canh tôm - lúa là cơ
bản giải quyết được những vấn đề nêu ra ở trên. Một trở ngại lớn khi áp dụng mô
hình tôm - lúa là giá lúa hiện còn quá thấp, giá tôm giống vẫn ở mức cao. Chỉ
khoảng 50% bà con tin tưởng sử dụng giống kháng phèn, mặn tốt nhất của Trung
tâm Giống nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Lê Văn Chính - Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện
Thạnh Phú, trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện có sự phân
chia rạch ròi giữa 3 vùng mặn, lợ, ngọt. Trong đó, vùng mặn là mối quan tâm
hàng đầu bởi điều kiện môi trường ở đây bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của
biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, tình trạng bùng phát việc nuôi
tôm thẻ chân trắng thâm canh đã thu hẹp dần diện tích trồng lúa và tiềm ẩn
nhiều rủi ro có thể phá vỡ môi trường sinh thái bền vững. Việc tìm đầu ra ổn
định cho lúa sạch là rất quan trọng, nhưng để làm được điều đó, bà con phải
mạnh dạn sử dụng các giống lúa chịu phèn mặn tốt để không phải sử dụng thuốc
bảo vệ thực vật, qua đó nâng cao giá trị của lúa và ổn định được môi trường cho
tôm.