Mô hình xử lý rác thải phát huy hiệu quả

08/12/2014 - 07:36
Mô hình xử lý rác thải bằng thùng compost đang phát huy hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: A.Ng

Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam triển khai trong hệ thống Hội vào đầu năm 2010, với mục tiêu bảo vệ môi trường. Mô hình xử lý rác thải bằng thùng compost tại xã điểm Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm - một trong những mô hình cụ thể hóa cuộc vận động - đã phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng ra nhiều nơi.

Bà Huỳnh Thị Sang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Sau khi tiếp nhận chủ trương Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” từ Trung ương Hội, Tỉnh Hội đã hướng dẫn triển khai trong toàn tỉnh về cuộc vận động này. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chọn xã Thạnh Phú Đông làm điểm triển khai vào tháng 9-2011. Thạnh Phú Đông là một xã còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm của phong trào hoạt động Hội chỉ ở mức khá, vì vậy, Hội LHPN tỉnh chọn nơi đây làm điểm để củng cố, nâng chất tổ chức Hội và tạo điều kiện cho Hội LHPN xã đạt được những chỉ tiêu mà cuộc vận động đề ra. Triển khai cuộc vận động này, Hội LHPN xã đã xây dựng được mô hình: Câu lạc bộ Phụ nữ với môi trường, xử lý rác bằng thùng compost.

Ưu điểm của cách làm này là chi phí không cao (mỗi thùng trị giá hơn 300 ngàn đồng) và cách thực hiện đơn giản: ủ rác, lá cây và các loại rác có thể phân hủy vào thùng và tưới nước ủ lại (thùng có nắp đậy kín), phía dưới thùng có chiếc hộc để kéo ra lấy phân hữu cơ khi rác đã phân hủy. Triển khai mô hình này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ Hội LHPN Bến Tre về kinh phí để tập huấn, triển khai cuộc vận động tại xã điểm; đồng thời, hỗ trợ kinh phí mua 40 thùng compost xử lý rác cho các hộ gia đình chính sách và gia đình nghèo.

Qua hai năm thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh Hội tiến hành khảo sát thấy mô hình đã đạt hiệu quả. Ban đầu, hiệu quả mang lại từ mô hình này chưa cao. Qua tuyên truyền, vận động, đến năm 2014, mô hình này đã được quần chúng nhân dân đồng tình thực hiện và ngày càng nhân rộng. Từ 40 thùng hỗ trợ ban đầu ở 40 hộ dân, nay đã có thêm 25 hộ gia đình tự bỏ tiền mua thùng về để áp dụng xử lý rác và được tổ chức Hội hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác sao cho hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Ngân - Tổ trưởng Tổ Hội phụ nữ ấp 1B - xã Thạnh Phú Đông chia sẻ: “Trước đây, tôi đào hố để làm nơi xử lý rác, khu vực chứa rác thường có mùi hôi, nhất là vào mùa mưa, gây ô nhiễm môi trường. Tôi thấy các hộ phụ nữ áp dụng thùng compost xử lý rác thải, lấy phân hữu cơ trồng cây, trồng rau rất tốt và rất tiện lợi, môi trường xung quanh lại sạch sẽ nên tôi cũng đã tự bỏ tiền mua một thùng và học hỏi cách áp dụng. Tôi đã áp dụng mô hình này được gần 5 tháng và đã bắt đầu lấy phân để bón cây”.

Cuối tháng 11-2014, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức một chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường tại xã Thạnh Phú Đông. Đoàn đi có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, đại diện Hội LHPN 9 huyện, thành phố và Hội LHPN 16 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đoàn đến một số hộ gia đình có sử dụng thùng compost để xử lý rác thải, trao đổi trực tiếp cách áp dụng và các vấn đề liên quan.

Chị Lê Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú Đông cho biết: Bên cạnh mô hình này, Hội LHPN xã đã thành lập được 8 Tổ phụ nữ bảo vệ môi trường với 132 thành viên. Đây là những hội viên, phụ nữ nòng cốt trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Định kỳ hàng tháng, quý hoặc dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các Tổ phụ nữ này phối hợp với các đoàn thể tổ chức ra quân, có hàng trăm chị em hội viên phụ nữ tham gia dọn dẹp, sửa chữa, nâng cấp đường, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường thông thoáng xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, các chị em thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi heo làm hầm, túi biogas để xử lý nước thải, chất thải, vừa bảo vệ môi trường, vừa có chất đốt sử dụng góp phần tiết kiệm một khoản chi phí cho gia đình. Riêng đối với mô hình xử lý rác thải bằng thùng compost, Ban Thường vụ Hội LHPN xã đã kết hợp Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, tổ phụ nữ bảo vệ môi trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ được cấp thùng compost sử dụng đúng theo hướng dẫn, đảm bảo hiệu quả. Qua kiểm tra, nhìn chung 40/40 hộ (được cấp thùng compost) đều biết cách xử lý rác, tạo thành phân bón cho rau màu, hoa kiểng vườn nhà.

Theo bà Huỳnh Thị Sang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thời gian tới, từ hiệu quả mô hình này, Hội LHPN tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN