Mở ra triển vọng mới cho cây dừa

20/11/2019 - 07:14

BDK - “Thoạt đầu trước khi đến, chúng tôi nghĩ là các bạn (Bến Tre) sẽ không có nhiều sản phẩm từ dừa, nhưng thật là bất ngờ khi các bạn đã phát triển vượt bậc với rất nhiều sản phẩm từ dừa”, ông Alit Pirmansah - Cán bộ phát triển thị trường Cộng đồng dừa quốc tế (ICC) nói.

Bà Mridula Kotte Kate - Trợ lý giám đốc ICC tham quan nhà máy chế biến dừa ở Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Thạch Thảo

Bà Mridula Kotte Kate - Trợ lý giám đốc ICC tham quan nhà máy chế biến dừa ở Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Thạch Thảo

Về cây dừa Bến Tre

Được giới doanh nhân trong ngành dừa mong đợi nhất ở Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019 có lẽ là sự kiện gặp gỡ giữa các doanh nghiệp (DN) dẫn đầu ngành dừa với các đại diện đến từ ICC do Hiệp hội Dừa Bến Tre kết nối. Buổi trao đổi mang chủ đề “Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành).

Tại đây, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Dừa đã giới thiệu sơ lược về cây dừa Bến Tre. Tỉnh có 72 ngàn héc-ta dừa và gần 200 ngàn hộ trồng dừa, chiếm 50% diện tích dừa cả nước và 80% diện tích dừa đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng dừa hàng năm của tỉnh đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD và sản phẩm dừa đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn tỉnh có khoảng 1.900 cơ sở hoạt động liên quan đến cây dừa. Có 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực là: nước cốt dừa, cơm dừa sấy, nước dừa đóng hộp và than hoạt tính.

DN hoạt động trong ngành dừa ở Bến Tre không có nông trại riêng, cây dừa là của nông hộ trồng và diện tích bình quân thì rất nhỏ, hầu hết là dưới 0,5ha. Chính sách về giá, hiện người trồng dừa ở Bến Tre có sản phẩm dừa hữu cơ được DN mua với mức giá sàn cam kết là 50 ngàn đồng/chục (12 trái). Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, số lượng dừa trên 50 năm tuổi ở Bến Tre hiện khoảng 20 ngàn héc-ta, còn lại là dừa “trẻ tuổi”. Tỉnh còn có chương trình bình tuyển dừa giống nhằm cung cấp dừa bố mẹ.

Các DN Bến Tre làm gì để đưa sản phẩm dừa hội nhập? Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho biết: Mỗi năm chúng tôi đi ít nhất 3 hội chợ quốc tế, đi là để xem mình đang ở đâu (tự đánh giá mức độ phát triển và cung ứng sản phẩm - PV), mình có đáp ứng được thị trường hay chưa.

Kẹo dừa được trưng bày tại hội chợ triển lãm các sản phẩm dừa. Ảnh: H.Hiệp

Kẹo dừa được trưng bày tại hội chợ triển lãm các sản phẩm dừa. Ảnh: H.Hiệp

Dự báo tình hình sản xuất dừa

Điều DN Bến Tre quan tâm đặt ra ngay trong buổi hội ngộ hiếm có này là “sự đoàn kết chia sẻ thông tin về giá cả, để các quốc gia, DN không giẫm đạp lên nhau và để người trồng dừa luôn nhận được mức giá tốt tương xứng với công sức bỏ ra”.

Về năng lực sản xuất, chế biến, ông Cù Văn Thành đại diện các DN chế biến dừa tại Bến Tre thông tin, hiện công ty chỉ sản xuất 50% công suất nhà máy. Dây chuyền công nghệ được công ty mua từ Đức. Khi giá dừa nguyên liệu lên cao, đẩy giá thành lên, hoạt động chế biến dừa tại Bến Tre bị hạn chế vì khó cạnh tranh lại một số nước trong khu vực. Có khi nhà máy (Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới) chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 15 - 20% công suất khi gặp cảnh thị trường bị “dội chợ”.

Ông Ahmad Sayuti Bin Alias - Tổng giám đốc, Tổ chức Nông dân Khu vực, Cơ quan Tổ chức nông dân Malaysia cho biết, Malaysia đang có kế hoạch thay đổi hàng ngàn héc-ta cây cọ dầu thành dừa. Chính phủ hiện có chính sách hỗ trợ (tiền) nông dân chuyển đổi sang trồng dừa. Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, Malaysia đang chặt cọ dầu, họ mua rất nhiều dừa giống ở Bến Tre về để trồng.

Bà Mridula Kotte Kate - Trợ lý giám đốc ICC xác nhận rằng, xu hướng thế giới đang chuyển sang dùng sữa dừa thay thế sữa bò (nói dễ hiểu là nước cốt dừa làm cho loãng ra - PV). Vì sữa dừa cung cấp chất béo tốt cho sức khỏe. Trong diễn biến câu chuyện, các đại biểu thấy rằng, xu hướng dùng sữa dừa sẽ ngày càng gia tăng và trở nên tất yếu vì cây dừa có thể được coi là cây trồng phù hợp trong thời kỳ biến đổi khí hậu. Cây dừa không chỉ dễ sinh sống ở các điều kiện khác nhau mà việc dùng sữa dừa sẽ làm giảm việc chăn nuôi bò, vì chăn nuôi bò là một trong những tác nhân gây ra hiệu ứng nhà kính.

Ông Alit Pirmansah - Cán bộ phát triển thị trường ICC bày tỏ ngạc nhiên: “Thoạt đầu trước khi đến, chúng tôi nghĩ là các bạn (Bến Tre) sẽ không có nhiều sản phẩm từ dừa, nhưng thật là bất ngờ khi các bạn đã phát triển vượt bậc với rất nhiều sản phẩm từ dừa. Nhưng tôi có lời khuyên cho các bạn, đó là các bạn cần đẩy mạnh thị trường nội địa, tôi đi nhiều nơi ở Việt Nam không thấy bày bán sản phẩm dừa Việt Nam mà chỉ thấy sản phẩm của các nước khác, như Nga chẳng hạn”.

Thưởng thức một số sản phẩm như: nước dừa già đóng hộp, sữa dừa do Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới sản xuất, các đại biểu khách mời bày tỏ sự thích thú. Đại diện Cộng đồng dừa quốc tế ICC đã trao tặng cho ông Cù Văn Thành một số tài liệu, đáng kể nhất là cuốn Danh bạ mua bán dừa của ICC; tổ chức này cũng dành tặng cho Hiệp hội Dừa Bến Tre quyển Ẩm thực về dừa của ICC. Phía Bến Tre đáp trả bằng những phần quà là sản phẩm dừa mang hương vị quê nhà Bến Tre.

Tham dự buổi gặp gỡ tại Bến Tre có bà Mridula Kotte Kate - Trợ lý giám đốc ICC, ông Alit Pirmansah - Cán bộ phát triển thị trường ICC, cùng một số đại biểu là đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý ngành dừa các quốc gia thành viên ICC gồm: Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan. Được biết, Ban Thư ký của ICC đặt tại Jakarta, Indonesia, tổ chức này đã có bề dày 50 năm hoạt động (thành lập năm 1969) và đa số quốc gia trong cộng đồng này xếp cây dừa vào danh mục là cây công nghiệp. 

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN